Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 07:37 GMT+7

Dấu ấn Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang

Biên phòng - Trong 2 năm gắn bó với lực lượng BĐBP (từ tháng 3/1959 đến tháng 3/1961), Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (BĐBP ngày nay) đã để lại nhiều dấu ấn vô cùng quan trọng. Dù ở cương vị nào hay lúc đã nghỉ hưu, ông cũng luôn đau đáu, trăn trở về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Ảnh: Tư liệu

Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn sách lịch sử lực lượng BĐBP, Đại tá Vũ Mạnh Tường, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng đã từng nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc với Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Đại tá Vũ Mạnh Tường vẫn nhớ như in vầng trán cao thông minh, đôi mắt lúc nào cũng mở to trong sáng của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ.

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ sinh năm 1917, quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông là lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong cuộc vận động thành lập Đảng và cao trào cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc; là người được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện. Con người ông luôn sáng ngời những phẩm chất, đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra: "Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung" luôn được ông thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ gắn liền với những dấu mốc lịch sử, những chiến công vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong việc đặt nền móng tổ chức xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) - lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, căn cứ địa Việt Bắc mở rộng và nối liền với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng và nhiệm vụ bảo vệ biên giới được đặt ra. Chính vì vậy, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập lực lượng Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an (Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/2/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký), bố trí thành các đồn Biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới; làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.

Xuất phát từ những yêu cầu đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Tổng Quân ủy và Ban cán sự Đảng đoàn Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách bảo vệ biên cương và nội địa phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an đã thống nhất thành lập Ban soạn thảo “Đề án tổ chức lực lượng bảo vệ nội địa và biên cương”, gồm 7 đồng chí, do Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách.

Sau một thời gian làm việc khẩn trương, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã cùng các đồng chí trong Ban soạn thảo nghiên cứu, tham khảo một số mô hình bảo vệ biên giới và nội địa của các nước XHCN anh em và các nước trong khu vực, kết hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, đã cho ra đời bản dự thảo “Đề án xây dựng lực lượng công an bảo vệ biên phòng và nội địa” gửi lên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi người một bản. Dù đang bận rất nhiều công việc nhưng Bác Hồ đã dành cả ngày 3/10/1958 để nghiên cứu và cho ý kiến chỉ đạo ngay bên lề của đề án. Sau thời gian cân nhắc kỹ các tên gọi như Bộ đội Công an, Công an Bảo vệ, Cảnh vệ…, Ban cán sự Đảng đoàn Bộ Công an nhận thấy chỉ có tên gọi Cảnh vệ là thích hợp, phản ánh đúng tính chất và nhiệm vụ của lực lượng này. Vì thế, ngày 27/10/1958, Bộ Công an đã có Công văn số 64/ĐĐ gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép gọi lực lượng vũ trang bảo vệ nội địa và biên phòng là “Lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên cương”.

Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp và ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương”. Đây là Nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ 3, từ phải sang) thăm Khu tưởng niệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ tại thôn Khánh Tây, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Sáng

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi phổ biến Nghị quyết 58 ở các Khu ủy, Thành ủy và các ngành, các giới. Qua học tập, nghiên cứu Nghị quyết 58, các cấp ủy đã có nhiều ý kiến đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ đổi tên lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương bằng một tên khác cho phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ. Căn cứ vào đề nghị của các cấp ủy, ngày 4/2/1959, Ban cán sự Đảng đoàn Bộ Công an đã gửi công văn lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ xin đổi tên thành lực lượng CANDVT và đã được Trung ương Đảng chuẩn y việc đổi tên này. Ngày 11/2/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 106/TTg bổ nhiệm Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng CANDVT. Từ đó, ngày 3/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT và BĐBP ngày nay.

Ngày đầu xây dựng lực lượng CANDVT khó muôn bề. Lúc đó, lực lượng CANDVT chỉ đạt 70% quân số, vì vậy, quân số trên các đồn biên giới và các đơn vị bảo vệ mục tiêu nội địa còn thiếu nhiều. Để đảm bảo cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ chỉ đạo, tuyển 5.000 thanh niên trẻ, khỏe, có lý lịch trong sạch vào làm nghĩa vụ quân sự trong lực lượng CANDVT; đồng thời, tập huấn nghiệp vụ cho 135 cán bộ sơ cấp, điều động bổ sung tăng cường về các đồn, trạm biên phòng Việt - Trung, Việt - Lào và giới tuyến quân sự tạm thời. Để có cán bộ phục vụ lâu dài trong lực lượng CANDVT, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cơ quan cán bộ rà soát lại số cán bộ có trình độ văn hóa cao, gửi đi đào tạo tại các trường Công an, Quân đội và các trường đại học bên ngoài.

Thực hiện phương châm “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.

Đầu năm 1961, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được Chính phủ bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sau khi hoàn thành trọng trách đặt nền móng vững chắc cho bước phát triển mới của lực lượng CANDVT.

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cương vị công tác, lĩnh vực, địa bàn phong phú, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ luôn là một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, tận tụy vì dân, vì nước, không sợ hy sinh gian khổ. Nhớ về ông, vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng, trong lòng các thế hệ người lính Biên phòng luôn cảm nhận được chân dung về một vị Tướng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu; thông minh, nhạy bén, khôn khéo trong xử lý các tình huống xảy ra ở biên giới, giới tuyến; chặt chẽ, lịch lãm trong công tác đối ngoại biên phòng; đồng thời là một vị Tướng gần dân, thương lính.

Viết về Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời trân trọng: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người Cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng từ năm 1934 lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết... Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.

Hoàng Minh

Bình luận

ZALO