Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 10:23 GMT+7

Dấu hình trên đảo Dáu

Biên phòng - Đảo Hòn Dáu (còn được gọi là đảo Dấu) là một hòn đảo nhỏ thuộc quận Đồ Sơn, Hải Phòng, cách Bến Nghiêng chừng 2km. Ở đây có khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cổ thụ trăm năm tuổi mang lại cho Hòn Dáu những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, tâm linh. Trên đảo không có một hộ dân nào sinh sống, chỉ có Bộ đội Biên phòng, công nhân gác đèn biển, người theo dõi Trạm khí tượng thủy văn đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ đảo...

 1169.gif
Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Dáu.
Kỳ bí Hòn Dáu

“Chín con theo mẹ dòng dòng/ Còn đứa con út dốc lòng Biển Đông” là câu thơ nói về Hòn Dáu. Trong những cuộc chuyển động của thềm lục địa một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo trôi dần ra phía biển, trở thành đảo Hòn Dáu. Hòn Dáu đẹp với những cánh rừng nguyên sinh bao phủ gần hết đảo tới mức có câu ví von “Đố anh quét sạch lá rừng/ Để em khuyên gió, gió đừng rung cây/ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây thì về”. Mọi người dễ choáng ngợp với cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân xù xì, rễ tua tủa, cắm xuống đất. Sâu hơn là những thảm thực vật với những loài gỗ quý như kim giao. Các loài động vật trên đảo gồm: Dê, khỉ, chim, cáo, rắn... còn rất nhiều. Bao quanh đảo là những bãi đá lớn ngày đêm sóng vỗ ì oạp. Đặc biệt, qua năm tháng, giá trị cảnh quan của đảo được bảo tồn nguyên vẹn, chưa bị con người làm biến dạng.

Đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương, nơi linh thiêng, sùng kính của người đi biển quanh vùng. Truyền thuyết kể rằng: Sau trận thủy chiến chống giặc Nguyên Mông, ngư dân phát hiện có một tử thi không đầu dạt vào đảo Dáu. Nhìn y phục biết là tướng nhà Trần tử trận. Về sau, chỗ ông nằm, mối đùn lên thành mộ. Dân chài bèn lập đền để đèn nhang thờ phụng. Tương truyền, ngôi đền rất linh thiêng, người xưa mỗi lần đi qua đều hạ buồm vào đảo thắp hương tế lễ. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, thuyền của vua Tự Ðức gặp sóng to, gió lớn, vua lên đền khấn vái, bỗng chốc trời quang mây tạnh. Vua Tự Ðức phong ông làm Nam Hải thần vương. Hằng năm, từ mùng 8 đến 10 tháng 2 (Âm lịch) là lễ hội đảo Dáu - lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ, thu hút hàng chục nghìn người về đây dâng hương, cầu xin Nam Hải Đại Thần Vương độ cho một năm yên bình, mạnh khỏe, làm ăn may mắn, phát tài. Người Đồ Sơn coi đảo Dáu là hòn đảo thiêng nên không ai nghĩ đến chuyện ra đảo khai thác. Vì vậy, đảo vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ.

Những “Rô-bin-xơn” của đảo

Đến Hòn Dáu không thể không thăm ngọn hải đăng, một trong những ngọn đèn biển có lịch sử xây dựng lâu đời nhất nước ta. Đèn biển đảo Dáu được người Pháp xây dựng từ năm 1892 đến năm 1896. Trên đỉnh cao, ngọn hải đăng sừng sững như một pháo đài gác biển, được mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc. Với tầm chiếu xa 22 hải lý, những con tàu đi biển theo đó mà trở về bến đậu. Trạm trưởng Nguyễn Văn Thắng - người suốt nửa cuộc đời gắn bó với biển đảo, cho biết: Ở Việt Nam, trước năm 1975, có 2 mốc cao độ 0 gồm một - nằm là ở đảo Hòn Dáu (Hải Phòng) và một ở Mũi Nai (Hà Giang). Sau năm 1975, mốc Hòn Dáu là mốc 0 quốc gia duy nhất cho tiêu chuẩn Việt Nam. Hải đăng Hòn Dáu còn là vật chứng lịch sử, ghi dấu những trận đánh anh dũng của bộ đội. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Hòn Dáu chịu ngót 100 trận oanh tạc, nhưng hải đăng Hòn Dáu chưa lúc nào ngừng sáng. Cho đến nay, để thắp sáng hải đăng, người ta phải sử dụng máy phát và ắc quy vì Hòn Dáu vẫn chưa có điện lưới. Đứng trên tháp đèn, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, sẽ thấy màu xanh của đảo hòa lẫn màu xanh của biển, xa xa núi non Đồ Sơn thấp thoáng, những con tàu lớn đi lại trên biển... Mọi người cũng có thể ghé thăm Bảo tàng hải đăng nằm trong khu vực hải đăng và khu vực ngoài trời trưng bày các loại đèn, các đèn tín hiệu từ cổ chí kim.

Anh em Tổ công tác BP Hòn Dáu, Đồn BP Đồ Sơn sinh hoạt trong tòa nhà cũ nằm sát mép biển. Tổ trưởng là Thiếu tá Phạm Văn Tuyến với 2 nhân viên là Thượng úy Lương Văn Phảng, Binh nhất Bùi Đức Thắng. Ngày ngày làm nhiệm vụ nắm tình hình, giữ gìn an ninh trật tự khu vực đảo. Vào những ngày lễ hội đảo Dáu, họ rất vất vả. Mỗi dịp, ước tính cả chục nghìn người đến đảo Dáu. Lúc ấy, các anh phải căng mình ra duy trì trật tự cho du khách ở đầu bến tàu, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên chở khách ra vào, nhắc nhở du khách mặc áo phao, nhắc chủ tàu đảm bảo các trang thiết bị an toàn hàng hải, điều phối các chuyến tàu ra vào cầu hợp lý. Trạm trưởng Phạm Văn Tuyến cho biết: Đứng trên đảo Dáu có thể quan sát cả vùng biển rộng lớn, bao gồm cả phao số 0 và khu neo đậu tàu thuyền nước ngoài. Đảo Dáu là điểm bắn pháo hiệu báo bão do Chính phủ quy định. Khi có bão trên Biển Đông hoặc gần bờ, trước bão, ngày 2 lượt, các anh tổ chức bắn pháo hiệu lúc 19 đến 20 giờ, hoặc từ 4 đến 5 giờ sáng. Thấy pháo rực đỏ phía đảo Dáu, tàu bè hoạt động trên biển sẽ hướng theo ánh đèn hải đăng mà về.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO