Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 04:26 GMT+7

Dấu mốc lịch sử của Hiệp định về Biển cả

Biên phòng - Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định về Biển cả). Trước đó, ngày 19/6, Hội nghị Liên chính phủ của Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Hiệp định, đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ ba thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Ngoại giao, Hiệp định trên là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển và tài nguyên biển. Bởi đây là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien biển ở các vùng biển quốc tế.

Nguồn gien biển là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào. Nhiều vùng ở đáy đại dương có hệ sinh thái đặc biệt giàu có, với nhiều loại gien quý hiếm, có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học, y khoa và tiềm năng kinh tế lớn...

Tuy nhiên, hầu như chỉ có các nước phát triển và tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gien biển khơi và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận. Trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn nguồn lợi này.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ nguồn gien tại các vùng biển sâu, xa bờ trong bối cảnh các nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt, Hiệp định về Biển cả tái khẳng định mọi yêu sách biển không được phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, phạm vi của các vùng biển quốc tế, nơi tài nguyên sinh vật biển thuộc về toàn thể nhân loại, phải được xác định thông qua và phù hợp với UNCLOS 1982.

Qua hành trình 41 năm đồng hành cùng UNCLOS 1982, Việt Nam đã khẳng định là thành viên có trách nhiệm của Công ước, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích của mình được xác lập phù hợp theo UNCLOS 1982, đồng thời phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Luật Biển Việt Nam 2012 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của mình theo UNCLOS 1982, triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng biển một cách phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Việc Việt Nam ký Hiệp định về Biển cả truyền đi thông điệp mạnh mẽ về chung tay cùng các quốc gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương, trong đó yêu cầu các nước ký kết báo cáo đánh giá tác động môi trường từ các hoạt động trên biển; thiết lập khuôn khổ cho các khu bảo tồn biển, cam kết không hủy hoại môi trường, đánh bắt cá bền vững và sử dụng có trách nhiệm các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia...

Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững, Hiệp định mở ra cơ hội cho Việt Nam được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển, được hưởng lợi kinh tế từ việc các quốc gia khác khai thác nguồn gien ở vùng biển khơi và chia sẻ lại lợi ích với chúng ta.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao là một trong những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng”.

Việc ký Hiệp định mới chỉ là điểm khởi đầu, các Bộ, ngành liên quan cần tích cực, chủ động hoàn thiện các chính sách, văn bản về biển của Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế để sử dụng, quản lý biển và đại dương một cách hiệu quả.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO