Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:07 GMT+7

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng phát triển chung của toàn xã hội. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vấn đề chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin cũng đang được quan tâm và đẩy mạnh thông qua nhiều lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, trở thành nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc ở mỗi địa phương.

Nông dân huyện Mường La, tỉnh Sơn La livestream bán sản phẩm táo đại qua ứng dụng Facebook. Ảnh: Hoàng Huy

Tích cực triển khai Đề án

Thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (gọi là Chương trình), giai đoạn I: 2021-2025 về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN, ngày 12/5/2023, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Đề án "Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án).

Để triển khai thực hiện Đề án, hiện nay, nhiều địa phương đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc. Điển hình như tại Lai Châu, UBND tỉnh này đã phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Tỉnh Lai Châu đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước nâng thứ hạng của Lai Châu đạt vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số Chuyển đổi số vào năm 2025.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2021-2030), đơn vị sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên làm công tác dân tộc.

Còn tại Sơn La, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua "Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những hành động cụ thể, tích cực trong thực hiện Đề án, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tại tỉnh Phú Yên, nơi có 33 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các cơ quan quản lý thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp xã; được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Nhiều người cao tuổi ở huyện miền núi Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã dần quen với quay clip bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Hoàng Huy

Hiệu quả rõ rệt từ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

Gần 1 năm nay, nhờ được lắp đặt mạng Internet và được cán bộ địa phương tập huấn về việc sử dụng công nghệ số, đời sống gia đình chị Vi Thị Luông ở bản Nhãn Lỳ (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã đổi thay đáng kể. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, chị Luông đã có thể gọi điện và thấy hình ảnh của các con đi học xa nhà dưới phố huyện. Không những thế, nhờ có mạng Internet đã giúp việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình chị trở nên dễ dàng hơn trước.

Nhờ cán bộ hướng dẫn, khi làm bất cứ việc gì mà chưa hiểu cặn kẽ, chị Luông lập tức vào ứng dụng google trên điện thoại để tìm hiểu. “Bây giờ, tôi cũng có thể nạp tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, rút tiền, mua sắm, hay lên facebook, zalo học hỏi được nhiều kiến thức để chăn nuôi, trồng trọt. Ứng dụng công nghệ số vào trong đời sống quả là rất hữu ích đối với chúng tôi”- chị Vi Thị Luông chia sẻ.

Anh Vừ Giống Lầu, ở xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: “Từ khi được tập huấn về công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đã biết cách kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông sản qua điện thoại thông minh. Gia đình tôi cũng quảng cáo hàng hóa của mình qua facebook, zalo và các trang mạng xã hội khác nên bán được nhiều sản phẩm hơn trước. Vì vậy, nhiều gia đình trong bản tôi không còn phải vất vả gùi hàng xuống chợ, mà có thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá cả hợp lý”.

Chị Triệu Thị Khé, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là 1 trong số 250 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh được tham gia Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số do Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang chủ trì tổ chức. Tại đây, chị và các học viên đã được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng thông qua kết nối Internet. Ảnh: Hoàng Huy

Thông qua tập huấn đã góp phần nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Chị Khé cho hay: “Trước đó, tôi có biết sơ qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính, nhưng khi tham gia lớp tập huấn, tôi được tìm hiểu sâu hơn, được thực hành trực tiếp trên máy tính những kỹ năng cần thiết để có thể ứng dụng vào đời sống. Sau khi học xong, tôi sẽ tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến hội viên, nhân dân trên địa bàn, để tất cả mọi người cùng ứng dụng cộng nghệ số vào trong đời sống một cách thiết thực nhất”.

Có thể nói, hiện nay, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G, đảm bảo 100% đồng bào dân tộc trên địa bàn được kết nối, đối thoại với người làm công tác dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS&MN về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS&MN, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại địa phương.

Hoàng Huy

Bình luận

ZALO