Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 07:22 GMT+7

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Biên phòng - 10 năm qua, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt từ năm 2020 đến nay có bước phát triển đột phá nhờ sử dụng công nghệ số, đưa tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến năm 2022 đạt 35,62%.

Hiện, dịch vụ công trực tuyến có 2 mức độ: toàn trình và một phần. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, người dân có thể thanh toán trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến hoặc đăng ký nhận kết quả qua bưu điện. Khi đó, việc nộp hồ sơ có thể thực hiện ở bất cứ đâu, ngay cả ngoài giờ hành chính.

Mặc dù vậy, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện vẫn chưa toàn trình, thể hiện ở chỗ vẫn chấp nhận người dân mang hồ sơ giấy đến bộ phận một cửa điện tử và chưa thực sự chú trọng đến chất lượng dịch vụ công bằng thước đo hài lòng và thuận tiện cho người dân.

Năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Báo cáo của Tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cho thấy, đối với nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính. Có 6 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đạt trên 90%. Ngoài ra, 15 bộ và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử. 6 bộ và 26/63 địa phương xác nhận đã hoàn thành xây dựng chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến. Số tài khoản tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,77 triệu tài khoản, giải quyết hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022). Có hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,05 nghìn tỷ đồng...

Với kết quả trên, hàng năm nhà nước tiết kiệm 2.505 tỷ đồng. Ngoài giá trị tài chính thì việc tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh, loại bỏ dần tình trạng tham nhũng “vặt”.

Các chuyên gia đánh giá, các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy tạo ra giá trị cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế... giúp truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế. Việc làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng. Việc xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt...

Trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ và thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Số hóa tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội trên VneID, tạo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp...

Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các chuyên gia đề nghị giảm mạnh phí, lệ phí, thậm chí miễn phí với các dịch vụ có lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO