Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 06:38 GMT+7

Sơn La:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Theo thông tin từ UBND tỉnh Sơn La, thời gian qua, địa phương này đã tích cực chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc trên địa bàn. Từ đó, đã làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập.

Người dân được hưởng lợi nước sạch từ những công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Cẩm Linh

Tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 8.713 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đã giải ngân 417 tỷ đồng, từng bước giải quyết thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ, tăng cường sơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho khoảng 956 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 8 huyện; tạo việc làm, đào tạo nghề cho 7.030 người.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Tỉnh đã hỗ trợ 50 tỷ đồng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã còn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ; đầu tư 5 công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hoá; 8 công trình chợ, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã bản đặc biệt khó khăn đạt 63,79% kế hoạch giao; đầu tưu cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La.

Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020, có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo, mỗi năm giảm từ 4 đến 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; 85% bản có đường giao thông từ xã đên trung tâm được cứng hoá; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;100% xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh cho học sinh ở các cấp học; 100% đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa biên giới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO