Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 04:29 GMT+7

Đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương

Biên phòng - Một trong những nội dung quan trọng được Trung ương thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) là kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đặt mục tiêu cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ ngày 1/7/2021, nhưng do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình này đến nay chưa được thực hiện.

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng được xem là giải pháp “tình thế, trước mắt” để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nhưng cần khẳng định đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh đất nước vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia, chính sách tiền lương là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương. Trả lương cũng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, qua 4 lần cải cách, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Bên cạnh đó, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, tiêu cực, tham nhũng...

Thực tế, thời gian qua, hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ trong ngành giáo dục, y tế bỏ việc một phần do tiền lương không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu. Để giữ chân giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng 5% nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện, khiến hệ thống trường công lập thiếu trầm trọng giáo viên.

Do đó, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế...

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương. Trong điều kiện đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ tiền lương mới trong 3 năm tới, lộ trình cải cách tiền lương cần được đẩy nhanh hơn để đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người hưởng lương trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Tăng lương, cải cách tiền lương một mặt là tăng chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công nhân, viên chức, mặt khác là cơ sở để chúng ta giữ chân người có tài, người giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thảo luận, phân tích, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Dự kiến đến tháng 10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quyết nghị của Trung ương. Nếu được nhất trí thông qua, thời điểm bắt đầu của lộ trình cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO