Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 01:42 GMT+7

Để chính sách miễn học phí thành hiện thực

Biên phòng - Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ qui định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 đã qui định 19 đối tượng được miễn học phí. Nhưng tới thời điểm này mới có 5 địa phương trong cả nước thực hiện được quyết định này.

Ảnh: minh họa

Ngoài các trường hợp không phải đóng học phí được quy định tại Nghị định 81 gồm: Học sinh tiểu học trường công lập và người học các ngành đặc thù, năm học 2022-2023, cả nước có 7 tỉnh, thành phố thực hiện miễn học phí cho học sinh phổ thông gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình. Nhưng đến năm học 2023-2024, chỉ còn 5 địa phương duy trì được việc miễn học phí cho học sinh phổ thông: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Bình.

Theo Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT), chủ trương miễn giảm học phí rất nhân văn, được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, nhiều địa phương gặp khó khi triển khai quyết định miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS, kể cả các thành phố lớn. Nguồn kinh phí thực hiện chủ trương trên phải được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương hiện hành. Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố “lực bất tòng tâm” vì chưa thể cân đối được ngân sách.

Đơn cử, để miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên, HĐND TP. Đà Nẵng phải dự chi gần 410 tỷ đồng cho năm học 2023-2024. TP. Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự chi khoảng 330 tỷ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học.

Đáng ghi nhận là một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình năm thứ 2 liên tiếp miễn học phí cho học sinh. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Quảng Bình có gần 150.000 học sinh công lập được hưởng lợi từ nghị quyết về miễn học phí của HĐND tỉnh. Theo đó, học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm học. Các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí học kỳ I. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên bị giảm thu từ nguồn học phí sẽ được ngân sách hỗ trợ kinh phí.

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, quốc gia nào chăm lo cho giáo dục sẽ là quốc gia hùng mạnh, địa phương cũng vậy. Việc miễn, giảm học sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước chưa thực sự phục hồi sau đại dịch và tình hình giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống nhân dân.

Theo Nghị định 81, từ năm học 2024-2025 tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí và từ năm học 2025-2026 tất cả học sinh THCS được miễn học phí. Bộ GD-ĐT ước tính, với 55 triệu học sinh, ngân sách dành cho miễn học phí vào khoảng 11.200 tỷ đồng/năm học.

Thiết nghĩ, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện chính sách này để hàng triệu gia đình sẽ được giảm gánh nặng học hành, hàng trăm nghìn học sinh được nối dài thêm cơ hội học tập. Các địa phương cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chủ động sử dụng ngân sách để đầu tư cho giáo dục và thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí, bởi sẽ chẳng có đầu tư nào “có lãi” bằng đầu tư cho tri thức, cho tương lai, cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của sự phát triển.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO