Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 27/06/2024 01:34 GMT+7

Để du lịch An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Biên phòng - An Giang là tỉnh duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa có đồng bằng, vừa có núi, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Những năm qua, với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và đưa An Giang vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, tỉnh luôn phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch hấp dẫn.

Với vẻ đẹp hoang dã, rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) luôn có sức hút lớn đối với khách du lịch khi đến với An Giang. Ảnh: Phương Nghi

Đánh thức tiềm năng và phát huy lợi thế

Lợi thế của du lịch An Giang là địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Không chỉ có dãy Thất Sơn huyền bí, sông nước hữu tình, An Giang còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng, nhiều điểm đến kỳ thú với hệ sinh thái môi trường phong phú...

An Giang có hơn 68 địa điểm du lịch văn hóa - di tích lịch sử nổi tiếng, đây là những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm khi đến An Giang. Cùng với du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội là sản phẩm du lịch đặc trưng thì du lịch: tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp... của tỉnh cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Du lịch nông nghiệp không chỉ là kênh tiếp thị hiệu quả quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, sông nước, con người An Giang đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn góp phần giúp nông dân tăng thêm thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng bền vững.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cho biết: “Có thể khẳng định, An Giang đang sở hữu rất nhiều tiềm năng du lịch. Từ cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng cho đến nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc, từ chất hoang sơ của rừng tràm thuở khai hoang cho đến sự mộc mạc, yên bình của sông nước miền Tây cùng nhiều tiềm năng khác nữa. An Giang cần đánh thức và cụ thể hóa tiềm năng thành sản phẩm để du khách trải nghiệm. Do đó, tỉnh tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển những sản phẩm du lịch mới tại địa phương”.

Du lịch nông nghiệp ở An Giang còn phát triển mạnh các dịch vụ như homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, giăng lưới cá bông lau... thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ, với bầu không khí trong lành, Trà Sư thích hợp với du khách muốn “trốn” khỏi thành phố ồn ào, bụi bặm để tìm về với thiên nhiên.

Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Hiện nay, An Giang phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách, như Trekking núi Cấm; đêm nhạc acoustic trên núi Cấm; dự án “Làng bè sắc màu trên ngã ba sông Châu Đốc”; biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp mở mới mô hình du lịch cắm trại ở huyện Tri Tôn, như: An Suối Garden, Bảy Núi Farm, Garden Camp Ô Tà Sóc, Ganesha Ô Thum..., mang đến những trải nghiệm rất đặc biệt cho du khách.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch An Giang thông tin: “Hiện, ngành du lịch An Giang đang chào các gói tour du lịch đặc sắc để thu hút khách đến An Giang, như gói “Nhịp sống mùa hè” hướng đến các tour về nguồn kết hợp Teambuilding; tour học tập kiến thức về kiến trúc tôn giáo, đời sống văn hóa tộc người, sinh thái thiên nhiên, làng nghề truyền thống... với các điểm du lịch đồi Tức Dụp; điểm du lịch rừng tràm Trà Sư; cù lao Giêng; Khu du lịch núi Sam - làng Chăm Châu Giang - xứ lụa Tân Châu; du lịch lễ hội đua bò Bảy Núi, với các điểm tham quan chùa Thơ Mít, làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, cánh đồng thốt nốt và cơ sở làm đường thốt nốt...”.

Làng bè cá thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) - nơi du khách thích thú trải nghiệm và khám phá. Ảnh: Phương Nghi

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch An Giang: “Thực hiện Nghị quyết 19/2018/NQ-HĐND, ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều hình thức. Thường xuyên lồng ghép, tuyên truyền chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh, các lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực du lịch dành cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp và chính sách phát triển du lịch đúng đắn, phù hợp thực tiễn nhằm thu hút nhà đầu tư quan tâm và quyết định đầu tư trong lĩnh vực du lịch, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh”.

Bên cạnh trải thảm đỏ, tâm huyết kêu gọi đầu tư, tỉnh còn quan tâm đến hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư khi chấm chọn các dự án được đánh giá có tiềm năng kinh tế. Do đó, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp và chính sách phát triển du lịchđúng đắn, phù hợp tình hình thực tiễn. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 của ngành du lịch tỉnh là “giữ chân du khách” và phấn đấu đón 42 triệu lượt khách du lịch. Riêng năm 2025, đạt 10 triệu lượt khách, trong đó, khách lưu trú chiếm 30%. Tổng doanh thu từ du lịch khoảng 7.000 tỷ đồng. Có thêm ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm ở thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định du lịch là động lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước, gắn phát triển du dịch với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân...

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường quảng bá, kết nối, hợp tác phát triển du lịch với các thị trường mới như Đông Bắc, Tây Bắc và các tỉnh Tây Nguyên...; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tận dụng hiệu quả mạng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công cuộc chuyển đổi số; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch”.

Tin rằng, với nhiều chính sách, An Giang mong muốn đón nhiều nhà đầu tư quan tâm và quyết định đầu tư trong lĩnh vực du lịch, góp phần đánh thức tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá đưa du lịch An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO