Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:22 GMT+7

Đề nghị nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng đề tài “Thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới của BĐBP trong tình hình mới"

Biên phòng - Chiều 9/10, tại Bộ Tư lệnh BĐBP, Hội đồng đánh giá cấp cơ sở đề tài cấp Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị đánh giá cấp cơ sở đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới của BĐBP trong tình hình mới" do Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP làm Chủ nhiệm đề tài. Trung tướng, PGS-TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Trung tướng, PGS-TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Tham dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP; các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và các Cục; Thủ trưởng Học viện Quốc phòng, Học viện Biên phòng và lãnh đạo một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng.

Những năm qua, BĐBP luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới (KVBG); khẳng định vai trò nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG). Các đơn vị BĐBP đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức quản lý, bảo vệ BGQG; góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; xử lý, giải quyết hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới; duy trì thực hiện nghiêm hiệp định, quy chế biên giới, cửa khẩu; giữ vững an ninh trật tự ở KVBG; xây dựng BGQG hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG, BĐBP còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng và triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG. Công tác nắm tình hình và tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về biên giới của một số đơn vị chưa kịp thời, hiệu quả thấp; công tác phối hợp, hợp tác quốc tế chưa tương xứng với khả năng và tiềm lực mỗi bên... Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "Thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới của BĐBP trong tình hình mới" là vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược.

Đề tài kết cấu gồm: Mở đầu, 3 chương, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục.

Trước đó, căn cứ Kế hoạch nghiên cứu và Hồ sơ thuyết minh đề tài được Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng thông qua, Ban Chủ nhiệm đề tài triển khai nghiên cứu xây dựng đề cương chi tiết, biên soạn các báo cáo chuyên môn, tổ chức khảo sát thực tế, thu thập tài liệu và dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài; tổ chức hội thảo khoa học; xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Tại buổi đánh giá, các chuyên gia phản biện, ủy viên Hội đồng, các nhà khoa học, các chuyên gia đã đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích, gợi mở và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung của đề tài.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, nhận xét của các ủy viên phản biện và các ủy viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng khoa học đánh giá cơ sở đề tài kết luận: Đề tài được tổ chức nghiên cứu công phu, nghiêm túc; thực hiện các nội dung theo đúng thuyết minh đã được phê duyệt; kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt, có tính ứng dụng cao; có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn; việc nghiên cứu thành công đề tài sẽ góp phần bổ sung lý luận về công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới của BĐBP trong tình hình mới.

Hội đồng khoa học nhất trí đánh giá đề tài đủ điều kiện đề nghị đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng.

Duy Khiêm

Bình luận

ZALO