Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:21 GMT+7

Để tiềm năng du lịch Hà Giang tỏa sáng

Biên phòng - Có một thực tế là, vùng cực Bắc Hà Giang đang có sức hút ngày một lớn đối với thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt, kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Tuy nhiên, để "mỏ vàng" chứa đầy tiềm năng của ngành "công nghiệp không khói" tỏa sáng, du lịch Hà Giang vẫn còn rất nhiều điều cần hoàn thiện, trong đó, thận trọng, bài bản trong xây dựng thương hiệu, phát triển có trách nhiệm với môi trường và xã hội là những "bảo bối" không thể tách rời.

scq9_20a
Sự chất phác, thân thiện của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương là một "tài sản quý" của du lịch Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Đăng Anh

Những hấp lực "không thể bỏ qua"

Hà Giang được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều phong cảnh hùng vĩ, hữu tình như các di tích đỉnh núi Chiêu Lầu Thi (huyện Hoàng Su Phì), bãi đá cổ Nấm Dẩn, thác Tiên đèo Gió (huyện Xín Mần), sông Gâm (huyện Bắc Mê), hồ Quang Minh (huyện Bắc Quang), đỉnh Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, hang Lùng Khúy, núi đôi (cao nguyên đá Đồng Văn) cùng hệ thống ruộng bậc thang mê hoặc lòng người…

Vùng cực Bắc này cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử nổi tiếng như đền Mẫu, chùa Sùng Khánh, khu di chỉ khảo cổ đồi Thông, Căng Bắc Mê, khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, cột cờ Lũng Cú - địa đầu của Tổ quốc... Ngoài ra, Hà Giang còn là mảnh đất mang trong mình nhiều giá trị di sản địa chất phong phú, là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em với nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội múa trống của dân tộc Giáy, cùng với những ngôi làng truyền thống Mông, Tày, Dao... Có thể nói, những giá trị về tài nguyên du lịch của Hà Giang vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều "tài sản" văn hóa vật thể và phi vật thể được liệt vào hàng độc nhất vô nhị, không nơi nào có được.

Đặc biệt, tháng 10-2010, sự kiện cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, đã trở thành nền tảng, là bước đệm để cho du lịch Hà Giang phát triển một cách bền vững. Trong những năm qua, du lịch của Hà Giang đang không ngừng phát triển đi lên cả về lượng và chất. Cụ thể, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, lượng khách đến với Hà Giang chỉ đạt hơn 164 nghìn lượt, thì đến năm 2014 là 650 nghìn lượt, năm 2015 là 763 nghìn lượt (trung bình tăng trên 17%/năm).

Năm 2016, ước tính sẽ đạt con số kỷ lục từ trước đến nay. Cùng với đó, hệ thống các nhà hàng, khách sạn ngày một tăng về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng. Trên địa bàn toàn tỉnh có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ đang hoạt động và còn có khá nhiều cơ sở du lịch đang trong quá trình xây dựng. Hơn thế nữa, hiện nay, các công ty kinh doanh du lịch dịch vụ trong và ngoài nước đến với Hà Giang ngày càng đông. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo từng năm không ngừng được tăng lên (năm 2014 đạt gần 600 tỷ đồng, năm 2015 đạt 708 tỷ đồng). Điều đó khẳng định, du lịch Hà Giang đang ngày một phát triển, trở thành hấp lực "không thể bỏ qua" đối với doanh nghiệp cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

Thận trọng trong phát triển thương hiệu du lịch

Vùng đất Hà Giang - nơi địa đầu của Tổ quốc, với những thuận lợi đặc thù đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và mới lạ, sự nguyên sơ của tài nguyên, địa hình ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa cả về tự nhiên và nhân văn. Tuy vậy, du lịch Hà Giang có điểm xuất phát thấp và phát triển chậm hơn so với nhiều tỉnh trên địa bàn phía Bắc cũng như cả nước. Cho đến nay, mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng và nỗ lực, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cũng do phát triển sau, cho nên một số sản phẩm du lịch hiện nay của Hà Giang mới đang trong quá trình xây dựng để hoàn thiện.

Trước thực trạng đó, xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành cao, tỉnh Hà Giang đã đề ra hướng phát triển du lịch dựa theo một tầm nhìn mở rộng, có tính lâu dài và một quyết sách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo tỉnh cho đến xã, thôn. Đặc biệt, học tập kinh nghiệm từ các địa phương bạn, ngành du lịch Hà Giang luôn xác định việc phát triển du lịch sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ chính du lịch mang đến.

sd54_20b
Nhịp sống đặc trưng ở vùng cao nguyên đá luôn tạo hấp lực khám phá cho du khác. Ảnh: Nguyễn Đăng Anh

Thực tế cho thấy, những sản phẩm du lịch đặc thù mà Hà Giang đang có thế mạnh là những sản phẩm gắn với những trải nghiệm khám phá và chinh phục thiên nhiên, ghi dấu ấn tại địa danh địa đầu Tổ quốc. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực dẫn đến thương mại hóa hoặc làm biến đổi tính bản sắc truyền thống ở vùng cao Hà Giang. Chính vì vậy, để đảm bảo cho sự phát triển của du lịch một cách bền vững, chủ trương của Hà Giang trong phát triển du lịch là thận trọng, bài bản, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương.

Một vấn đề quan trọng mà ngành du lịch Hà Giang ưu tiên trong quá trình phát triển du lịch là việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người dân cùng tham gia vào các hoạt động du lịch, tạo thu nhập cho họ từ việc kinh doanh hoạt động du lịch để từ đó, nâng cao ý thức tự bảo lưu, gìn giữ những giá trị về thiên nhiên, văn hóa tiêu biểu mà mình có. Việc thúc đẩy xã hội hóa phát triển du lịch theo hướng nói trên là điều cần thiết, bởi qua đó, sẽ thúc đẩy sự phát triển của du lịch Hà Giang bằng hình ảnh ngày càng bền vững hơn, chuyên nghiệp hơn, tạo nên một điểm đến ấn tượng trên miền cực Bắc Tổ quốc.

Nguyễn Đăng Anh

Bình luận

ZALO