Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 05:48 GMT+7

Để tinh thần dám nói được lan tỏa và hiệu quả

Biên phòng - Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, tập trung “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.

"Tổ ba người" tại Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Lạng Sơn thường xuyên sinh hoạt để các thành viên trao đổi tâm tư, nguyện vọng cũng như giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Thành Chung

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh, phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần “7 dám”. Trong 7 dám mà đồng chí Tổng Bí thư nhắc tới, thì dám nói xếp ở vị trí thứ 2. Dám nói thể hiện tinh thần mạnh dạn, cương trực của người cán bộ, đảng viên.

Dám nói là tinh thần mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình với tổ chức, với tập thể. Dám nói đối lập với việc giấu giếm hoặc thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Dám nói thể hiện tinh thần dũng cảm, tiên phong của người cán bộ, đảng viên. Bởi đôi khi, những điều nói ra không chỉ là thành tích, khen ngợi, mà đó còn là những khó khăn, hạn chế, bất cập, thậm chí là những yếu kém, tồn tại của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đơn vị. Dân gian vẫn có câu “sự thật mất lòng”, nên những lời nói thật, nói thẳng thường hay khó nghe, khó nhận, khó tiếp thu. Vì nó đụng chạm đến quyền lợi, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức.

Dám nói là điều tốt, vì thông qua việc mạnh dạn biểu đạt ý kiến, quan điểm của từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, người chỉ huy đơn vị sẽ thấy được suy nghĩ, tư tưởng của mỗi người, đồng thời, thấy hết được bức tranh toàn cảnh của đơn vị, thấy hết được những khó khăn thuận lợi, những yếu kém, bất cập, những tâm tư, nguyện vọng của bộ đội.

Nhưng dám nói không có nghĩa là tranh cãi để được hơn thua, dám nói không có nghĩa là để miệt thị, trù dập, hạ thấp danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức. Mà dám nói cần có phương pháp, có nghệ thuật: Nói cái gì? Nói như thế nào? Nói vào thời điểm nào? Nói ở đâu và nói với ai? Và điều quan trọng nhất, đó chính là tinh thần dám nói phải xuất phát từ mục đích, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, mục tiêu chung của cơ quan, đơn vị, vì nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bản thân, không xen lẫn mục đích, động cơ chỉ vì lợi ích cá nhân vào trong lời nói của bản thân.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên có tinh thần mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh trong sinh hoạt Đảng, trong tập thể đơn vị, nhưng do phương pháp chưa tốt, cách diễn đạt chưa hay, nên hiệu quả chưa cao. Điều này đặt ra cho cán bộ, đảng viên không những có tinh thần thẳng thắn, mạnh dạn mà cần rèn luyện cho mình bản lĩnh, tác phong và phương pháp. Có như thế, việc đóng góp ý kiến, phản biện, đề xuất, kiến nghị của bản thân mới đạt được hiệu quả.

Vậy, làm thế nào để có thể phát huy được tinh thần dám nói của cán bộ, đảng viên và chiến sĩ trong đơn vị. Đó chính là phải tạo được bầu không khí dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Lấy mục đích chung của đơn vị làm hệ quy chiếu để xem xét, đánh giá và khuyến khích cán bộ, đảng viên. Những ý kiến nêu ra của bộ đội có thể đúng hoặc chưa đúng, có thể phù hợp hoặc chưa phù hợp, nhưng họ đã dám nói ra, tức là họ tin tưởng và tâm huyết với đơn vị. Cấp ủy, người chỉ huy cần xem xét, nhìn nhận thấu đáo để giải quyết vấn đề. Mọi ý kiến, kiến nghị, đề xuất cần được tiếp nhận và giải đáp thấu đáo, giải thích rõ ràng, tránh tình trạng né tránh hoặc không quan tâm đến ý kiến của bộ đội.

Một buổi sinh hoạt chính trị tại Hải đoàn Biên phòng 38. Ảnh: Duy Liêm

Trong môi trường quân đội, tinh thần dám nói có ý nghĩa rất quan trọng, vì người chỉ huy không thể bao quát toàn diện hết toàn bộ hoạt động của đơn vị một cách cặn kẽ, chi tiết. Hơn nữa, suy nghĩ của bộ đội mỗi thời điểm, nhiệm vụ luôn luôn có những diễn biến nảy sinh. Bộ đội là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quá trình đó, họ sẽ thấy được những vướng mắc, những bất cập, những khó khăn, những thuận lợi. Nếu họ dám nói ra những điều đó, đơn vị sẽ có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp.

Hay như trong tình huống chiến tranh, bộ đội nếu chỉ nhất nhất nghe theo mệnh lệnh người chỉ huy mà làm theo phương án, theo kế hoạch, khi phát hiện thấy có sự thay đổi trong cách bố trí đội hình, lực lượng của địch, thấy được thực địa khác xa so với địa hình trên bản đồ, hay phương pháp, cách thức phòng ngự của địch thay đổi so với quá trình đi trinh sát thực địa, nếu những thay đổi đó không được nói ra, không được báo cáo kịp thời với người chỉ huy, thì sẽ dẫn đến những hậu quả, thiệt hại vô cùng to lớn, mà hậu quả lớn nhất đó chính là xương máu bộ đội.

Do vậy, tinh thần dám nói không chỉ là động viên, khuyến khích, mà đôi khi còn là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Vì nếu không nói ra những điều mình thấy, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Dám nói nhưng phải nói đúng thời điểm thì mới có tác dụng và hiệu quả. Và hơn nữa, cần phải nói điều đó đúng nơi, đúng chỗ thì mới được ghi nhận. Chứ không phải là dám nói với người này, người kia, nhưng lại không dám nói với người chỉ huy, không dám nói trong giao ban, sinh hoạt đơn vị. Một lần nữa, xin được nhắc lại, dám nói sẽ chỉ thực sự có hiệu quả, có ý nghĩa khi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ biết lựa chọn nói cái gì? Nói ở đâu? Nói với ai? Và nói như thế nào? Thẳng thắn là tốt, nhưng nếu không có phương pháp sẽ gây tổn thương người khác, gây nên sự nghi kỵ, hiểu lầm, làm mất đoàn kết trong nội bộ.

Tập thể đơn vị có lãnh đạo, chỉ huy, có cán bộ, chiến sĩ, người nào có tinh thần thẳng thắn, có tinh thần dám nói vì động cơ trong sáng, vì nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ sẽ biết, sẽ hiểu và ghi nhận. Cho nên người cán bộ, đảng viên cũng không sợ điều mình nói ra sẽ bị người khác hiểu nhầm, nếu động cơ, mục đích của mình trong sáng. Chỉ khi tinh thần dám nói được thực hiện, những khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Và cũng thông qua tinh thần dám nói, người cán bộ, đảng viên mới thể hiện được lập trường và quan điểm của cá nhân mình. Đồng thời, đó cũng là thể hiện bản lĩnh và dũng khí của người cán bộ, đảng viên. Một lần nữa, xin được nhấn mạnh, nếu mỗi người cán bộ, đảng viên luôn vì mục đích chung, vì lợi ích chung của đơn vị và có phương pháp tốt thì tinh thần dám nói sẽ được lan tỏa và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Diệp Chi

Bình luận

ZALO