Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 06:34 GMT+7

Để trường nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập

Biên phòng - Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu đến năm 2025 giảm 20% số trường nghề công và đến năm 2030, giảm ít nhất 30% trường nghề công.

Ảnh: minh họa

Cả nước hiện có 1.888 cơ sở GDNN, trong đó có 1.205 cơ sở công lập, với quy mô tuyển sinh 2 triệu người mỗi năm. GDNN ở nước ta đang từng bước đổi mới, đạt được những kết quả khả quan; nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển, nhưng hiện vẫn chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cơ cấu tuyển sinh chủ yếu là trình độ sơ cấp, chất lượng đào tạo còn thấp...

Đặc biệt, hầu hết trường nghề thiếu kinh phí, không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và không tuyển đủ chỉ tiêu. Những bất cập này đang đặt ra yêu cầu sắp xếp lại những trường nghề yếu kém, nâng cao chất lượng GDNN, hoàn thiện chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động GDNN.

Trong xu thế chuyển đổi số, nhu cầu tuyển dụng nhân sự về phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, nhất là đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho những vị trí này đang thiếu rất nhiều. Điển hình như Đồng bằng sông Cửu Long có 17 trường đại học, 230 cơ sở GDNN nhưng trong 10 năm gần đây, trong 10 triệu lao động khu vực này chỉ có gần 7% lao động qua đào tạo ở bậc đại học; hệ GDNN mới đạt 14,9%. Tại khu vực miền Trung, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề ở Đà Nẵng, Quảng Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân GDNN chưa đạt được kỳ vọng trước hết do nguồn lực của nhiều địa phương chưa dành nhiều cho đầu tư phát triển các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, nhiều trường nghề chậm đổi mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN chưa theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ; gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp còn hạn chế...

Mặt khác, nhiều học sinh học lực yếu nhưng vẫn không nghĩ đến việc học nghề mà đi tìm một trường đại học có điểm đầu vào thấp để đăng ký, dù không đúng với sở thích, năng lực. Việc một số trường đại học được phép tuyển riêng như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT để xét tuyển, khiến cho thị trường GDNN ngày càng thu hẹp.

Thừa nhận, những hạn chế và khẳng định, ngành đang quyết liệt tái cấu trúc hệ thống trường nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh toàn cầu, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) đang phối hợp với 63 tỉnh, thành quy hoạch lại các cơ sở GDNN theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại, đảm bảo phát triển về quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền.

Từ đầu năm đến nay, Bộ LĐTBXH đã quy hoạch giảm được 279 cơ sở GDNN. Hầu hết các địa phương chỉ còn 1-2 trường nghề. Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo... Bên cạnh đó, quan tâm phát triển cơ sở GDNN ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.

Điểm nổi bật là việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN cả nước sẽ góp phần giảm cơ sở GDNN công lập, đồng thời nâng tầm một số trường trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN và các nước phát triển trong nhóm G20.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, các cơ sở GDNN rất cần sự quan tâm đặc biệt của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tạo hành lang pháp lý và chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO