Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:15 GMT+7

Để văn hóa - văn nghệ tiếp thêm động lực cho bộ đội

Biên phòng - Những năm qua, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa và đặc biệt là Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20-4-2017 của Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật (VHNT) trong Quân đội giai đoạn hiện nay”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, nghiêm túc, đồng bộ công tác văn hóa, VHNT trong BĐBP đạt kết quả thiết thực.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Gia Lai giao lưu cùng thanh niên địa phương (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Lâm Bằng

Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng con người mới Việt Nam, căn cứ vào điều kiện cụ thể, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo toàn lực lượng triển khai các hình thức, biện pháp để xây dựng con người mới với những tiêu chuẩn “Con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có ý thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”. Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 355 được tiến hành với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn đất nước, nhiệm vụ của quân đội, BĐBP và đời sống bộ đội.

Nhờ đó, hoạt động văn hóa, VHNT trong BĐBP đã thực sự là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng văn hóa của Đảng; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, VHNT đã kế tục xứng đáng các thế hệ đi trước và có bước phát triển, trưởng thành, tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị phục vụ bộ đội và nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện lễ tiết tác phong quân nhân, phong cách giao tiếp ứng xử có văn hóa trong lao động, chiến đấu, công tác và học tập; trong quan hệ ứng xử quân nhân và ứng xử đoàn kết quân dân, góp phần thúc đẩy phong trào cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng phấn đấu theo tiêu chuẩn nhân cách con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Điểm mới trong quá trình thực hiện Chỉ thị là các đơn vị đã khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong các hoạt động. Có thể kể tới một loạt cách làm hay như: tổ chức diễn đàn thanh niên với chủ đề “Làm gì để phấn đấu trở thành con người mới trong lực lượng vũ trang”, “Trách nhiệm của quân nhân đối với việc xây dựng môi trường văn hóa”, diễn đàn học tập cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhật ký Đặng Thùy Trâm, “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Hải Trường; thi tìm hiểu về “Luật Biên giới quốc gia”, “Luật Phòng chống ma túy, mại dâm”; tổ chức đăng ký các phong trào thi đua “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Tuổi trẻ BĐBP tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên làm chủ đường biên”, “Hũ gạo tình thương”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tổ chức và hoạt động hiệu quả các mô hình “Đại đội sao đỏ”, “Câu lạc bộ võ thuật, bóng đá, sáo trúc, ghi ta”, “Cán bộ, chiến sĩ với văn hóa mạng”, “Chiến sĩ Biên phòng viết”...

Một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện Chỉ thị nói riêng và công tác văn hóa - văn nghệ của BĐBP nói chung là việc duy trì và phát huy vai trò của các đồn Biên phòng với việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa” trên biên giới. Tại một số đồn Biên phòng chúng tôi có dịp đến thăm, việc xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa, phòng Hồ Chí Minh, thư viện... được tiến hành nghiêm túc, bài bản với hệ thống hiện vật giáo dục truyền thống phong phú cùng hàng trăm đầu sách tại phòng đọc của đồn cùng các ba lô sách ở tổ, đội công tác. Hoạt động của 44 Đội Tuyên truyền Văn hóa ở các tỉnh, thành phố và hơn 400 Tổ Tuyên truyền Văn hóa ở các đồn Biên phòng đã phục vụ hàng nghìn buổi tuyên truyền thông tin, văn nghệ và chiếu phim cho hàng triệu lượt người xem. Chương trình chiếm 55% là những tác phẩm về dân gian, dân tộc hoặc được phiên dịch thành tiếng bản địa đã tác động sâu sắc tới nhận thức và hành động của nhân dân.

Đồng chí Trần Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho rằng, trong suốt hàng chục năm qua, khi đời sống kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, thì các Đồn Biên phòng Thàng Tín, Bản Máy (BĐBP Hà Giang) thực sự “điểm sáng văn hóa” đối với cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Những hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thư viện, bảo tồn văn hóa truyền thống mà các đơn vị tham gia tổ chức đã từng bước nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, bồi đắp lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, hình thành và phát triển những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp, lành mạnh không chỉ cho quân nhân, mà còn cho đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì. Qua đó, góp phần tạo ra “phòng tuyến văn hóa” để ngăn chặn, chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Không chỉ ở Hoàng Su Phì, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa mới của BĐBP trên các tuyến biên giới đều đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo chân những cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Pù Nhi, BĐBP Thanh Hóa đến dự lễ trao Bằng chứng nhận “Gia đình người Mông văn hóa” ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, chúng tôi thực sự cảm nhận được không khí vui tươi, hồ hởi của đồng bào.

Sau hai năm xây dựng phong trào, lối sống và phong tục tập quán của bà con đã có nhiều khởi sắc, 70% số hộ trong xã đều đạt các tiêu chí đề ra. Điều đó cho thấy chủ trương phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP là hết sức đúng đắn.

Có thể kể đến nhiều mô hình tiêu biểu như “Câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ biên giới”, “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Gia đình người Mông văn hóa”, “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu”, “Làng thanh niên văn hóa”, “Buôn làng không có người vượt biên trái phép”, “Tiếng kẻng vùng biên”... Các đơn vị đã tham mưu cho chính quyền cơ sở xây dựng các hương ước, quy ước, quy chế của từng dòng họ, buôn, làng, thôn, bản.

Trong đó, quy định rõ các hộ, các dòng họ không bỏ thờ cúng tổ tiên, không vượt biên trái phép, không di dịch cư tự do; không theo kẻ xấu hoạt động tôn giáo trái phép; không sử dụng, tàng trữ, buôn bán các chất ma túy... Đặc biệt, các mô hình không chỉ động viên nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, mà còn tích cực tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phi vật thể của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

Qua 5 năm, có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, việc chỉ đạo và triển khai Chỉ thị 355-CT/QUTW trong BĐBP đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay. Những kết quả quan trọng đó không chỉ góp phần xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới, mà còn góp phần tạo ra nhiều giá trị văn hóa mới cho xã hội, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần cho quân đội và đất nước.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO