Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:00 GMT+7

Đi dọc Việt Nam theo bốn mùa thương nhớ

Biên phòng - Chiều cuối năm, cái nắng hanh vẫn ngời ngợi trên năm cửa ô khiến miền cửa biển quê hương tôi sóng sánh thơm như tảng mật ong rừng. Những con tàu hàng trị giá triệu đô hối hả ngược xuôi sông Cấm, những công trình chưa phút nào ngơi nhịp dựng xây, trên những cánh đồng ven đô, bà con nông dân hối hả cho kịp mùa gặt rộ, le lói bóng áo hoa đỏ rực, áo xanh đằm thắm. Cái miền đất mà bố mẹ tôi, chị em tôi đã chôn núm nhau nơi đầu hồi ngôi nhà Pháp cổ ấy trong tôi luôn có sức gợi những hình dung về một bình địa lắng sâu trầm tích văn hóa và cũng đầy khoáng đạt với sắc thái tiếp dẫn từ cửa ngõ biên cương Đông Bắc. Và loài chim biển nào đó đang tao tác bay lên từ chân sóng hồng đượm phù sa như nhắc tôi đắm hồn cùng quê hương qua bốn mùa thương nhớ.

Ảnh: minh họa

Khởi thủy là xuân, khởi đầu là tuổi trẻ, khi mùa hoa bưởi bịn rịn thơm những khoảnh khắc lập xuân. Hải Phòng của tôi, dù bao năm là thành phố công nghiệp, phát triển vượt trội, song cũng không hề thiếu những di tích tâm linh xuyên suốt mùa gió thơm của vùng đất bình dị như tên núi, tên sông. Có người ví Hải Phòng nằm trọn trong hai dãy núi từ An Lão đến Đồ Sơn đứt quãng, kéo dài khoảng 30km có hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm các núi: Voi, Phù Liễn, Xuân Sơn, Xuân Áng, Đối, Đồ Sơn, Hòn Dáu. Dãy Kỳ Sơn - Tràng Kênh và An Sơn - Núi Đèo, có hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm các núi: Phù Lưu, Thanh Lãng và Núi Đèo tựa như cánh bướm xòe rộng và những con sông là ba cái nan lớn hình thành nên miền đồng bằng duyên hải trù mật.

Mùa này, thuyền ai ngược xuôi hối hả nhịp quan hà, hai bên những dòng sông sông xanh bóng cây và ửng hồng sắc hoa đào, miên man tím triền xoan và mỗi bến nước lại rực màu hoa gạo khiến tôi tự hỏi, phải chăng những dòng sông giao hòa chở điềm lành đã mang yên ổn, thịnh vượng cho muôn dân trăm họ nên nơi đây in dấu biết bao đền chùa cùng phong tục thờ cúng từ ngàn xưa. Từ rất lâu, người dân chốn “Hải tần phòng thủ” đã một lòng hướng Phật. Bách tính trong vùng cùng góp công của cúng dường để một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa Hang - một trong những ngôi chùa quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Việt Nam và bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Khi trời xuân phơi phới, sẽ là chưa trọn vẹn nếu không đến đền Nghè, chùa Hàng, chùa Vẻn, chùa Vẽ, đình Hàng Kênh... là những nơi lưu giữ tục thờ biểu tượng cho sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa để dâng nén nhang thơm. Với giá trị kiến trúc độc đáo được bảo tồn khá nguyên vẹn, đền chùa ở Hải Phòng mang lại cho khách đến chiêm bái một không gian tĩnh lặng và những trải nghiệm về một kiến trúc cổ xưa. Và khi chạm tay lên các mảng chạm khắc tinh xảo, sẽ thấy trăm năm thì thầm kể chuyện tang hải thương điền. Những di tích tâm linh có niên đại hàng trăm năm trước sẽ có được những cảm xạ khó tả về con đường hoằng dương phổ độ chúng sinh của người xưa.

Và mùa hạ, nối gót xuân mang theo cái oi nồng và hương gió biển mặn để lửa lựu bung nở. Núi Hải Phòng không quá cao, biển Hải Phòng không quá sâu, nhưng cũng đủ khiến lòng người lưu luyến. Lúc ve sôi gọi nắng, trầm mình trong sóng Đồ Sơn, Cát Bà đầy khoan khoái, thanh tẩy những muộn phiền trong lòng người và đón nhận những vẩy bạc, vẩy vàng soi chiếu qua ngàn lá, bụi hoa dại bên suối ngơ ngác, dịu dàng chờ bước người qua... Khi gót giày đã thấm đẫm hương biển, khi con mắt đã no tràn màu xanh xứ sở, cũng là lúc cần dừng chân nghỉ lại để cảm thụ sức sống một miền đất, để môi thơm vị quả, miệng ngấm món ngon. Lúc sớm mai, những cánh đồng hút tít tầm mắt, mùi cỏ cây tinh khiết dậy hương và giọt sương trên lá biếc phản quang muôn hồng ngàn tía.

Mùa hè Hải Phòng cũng là mùa quả ngọt trĩu cành, những vạt đất khắp các huyện ngoại thành hàng trăm năm qua đã bền bỉ ươm biết bao loại cây ăn quả như dưa chuột Kỳ Sơn, bưởi Lâm Động, táo Bàng La... Tự tay nâng chùm quả chín đầu cành, càng thấm thía hơn bao công khó tay người đã gieo duyên vào đất vào cây, tạo nên một mùa thơm, một mùa vui cho bao người yêu mến quê hương. Lưng lửng chiều, hoàng hôn chuyển tím, núi giăng thành bức họa trầm buồn là lúc nổi lửa nướng những chú gà đồi Liên Minh tẩm mật ong hoa rừng Cát Bà sánh ngọt, nhâm nhi chút nếp cái hoa vàng Đại Thắng...

Cao hứng hơn, thử bắn điếu thuốc lào Vĩnh Bảo cho lòng chếnh choáng men say, nghỉ trọn một đêm hè giữa những xóm biển để hiểu thêm đời sống và tâm hồn người nơi đây. Hoàng hôn quê tôi lãng mạn như một khúc tình ca, những đôi trẻ ghé sát vai nhau để hơi ấm dịu dàng lan tỏa trên những đôi má thanh tân. Những đôi mắt lấp lánh ý tình cùng nhìn theo từng gam màu ấm áp trên bầu trời dần đuổi bước vầng dương ngả bóng về Tây. Rồi cứ lặng im bên nhau như thế, biển sẽ tặng cho tình yêu đôi lứa một thảm sao trời tuyệt đẹp.

Cứ nhẩn nha thế mà vào thu, cái mùa nắng mềm như rót mật, cỏ cây giống như con người, bình thản đi qua bốn mùa như quy luật tự nhiên của đất trời mà sinh sôi, phát triển. Cái nhịp đất trời mùa thu nó giục lòng người đằm sâu hơn, nhịp đời lơi chậm hơn để cảm được cái trầm lắng trong hồn làng, trong những nghề cổ, trò vui đã gắn liền Hải Phòng ngàn năm có lẻ. Dẫu nơi đây đang phát triển từng ngày với những khu công nghiệp lớn nằm dọc quốc lộ, dẫu đâu đó vẫn còn những địa phương người dân trả đất ruộng hoặc bỏ hoang hóa thì đồng đất Hải Phòng vẫn xanh um rau cỏ, ấm màu hoa trái ngọt thơm.

Hải Phòng là địa phương có nhiều làng nghề: Làng chài Cái Bèo; làng nghề chiếu cói Lật Dương; làng tạc tượng Bảo Hà; làng mây tre đan Chính Mỹ, Tiên Cầm; làng đúc Mỹ Đồng; làng cau Cao Nhân; khai thác, nuôi trồng thủy sản Lập Lễ; làng tạc con rối Nhân Mục; cây cảnh Mông Thượng; bánh đa Kinh Giao; làng hoa Hạ Lũng, Đồng Dụ, Kiều Trung... Từ những vạt ruộng chỉ như chéo khăn vuông hay vùng đồi cằn cỗi hút tít sương lam chướng khí đều có bàn tay người vỡ đất gieo hạt. Từ những cửa sông nước lợ đến bãi nuôi ven biển đều có tay người ươm giống, nuôi trồng hàng chục loại thủy hải sản mang lại no ấm cho con người.

Những bạn trẻ cuối tuần về với đồng bãi ven đô để trải nghiệm một lần vốc tay vào đất ẩm để nghe lời hạt tách vỏ sinh sôi âm thầm, để nhận về tình quê, tình yêu cuộc sống và trân quý thiên nhiên từ những người dân quê lam lũ. Còn cái thú của người già ngày thu là chìm trong những giai điệu cổ để cảm hết cái "vang, rền, nền, nảy" thì phải thả lỏng mọi giác quan để đắm chìm trong những canh hát cổ. Đâu đó trong gió chiều vi vu, câu hát hát đúm, tiếng trống chèo và nhịp tuồng cổ cũng là những vàng son trân quý của một vùng văn hóa lâu đời mà nếu bạn là người yêu chuộng tâm hồn Việt, giá trị Việt thì không thể không một lần thưởng thức. Ca trù Hải Phòng vẫn đều đặn ba dây, sáu cung dìu tiếng hát người ca nương đằm như vạt áo the thâm ánh ả trên lụa hồng đã khiến cho lá vàng sóng sánh rơi trên bao lời hẹn ước lứa đôi.

Và mùa đông, hãy đến với những di tích ghi dấu chiến công lẫy lừng của bao thế hệ quân dân cửa biển được lưu truyền trong dân gian. Để thấy từ thuở bình minh dựng nước, con người nơi đây đã kiên cường chống chọi với gót giày xâm lăng. Vậy nên khi cái lạnh lẩn trong từng nếp áo và gió Bấc thốc lá cành xoay vần như thể ngàn kỵ binh ruổi vó trận tiền, đứng bên Khu di tích Bạch Đằng Giang để nghĩ về tráng chí của người xưa cũng là một trải nghiệm không dễ gì có được. Dòng sông chính là một trận tiền oanh liệt, gắn liền với các chiến công oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại của Đức Vương Ngô Quyền vào năm 938, Vua Lê Đại Hành vào năm 981 và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1288.

Hãy dừng chân ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long để tận mắt chứng kiến các cổ vật, đồ thờ quý giá. Từ chiêng đồng với hình ảnh 2 con rồng khắc nổi đến chiếc đại hồng chung nặng 1.527kg và thanh Định Nam Đao “bách chiến bách thắng” trong tay vua Mạc Đăng Dung, xông pha hàng trăm trận chiến. Cách đó không xa là Khu di tích Kim Sơn quật khởi, nơi những thôn làng bình dị mà kiên gan nuôi giấu, che chở cho bao cán bộ cấp cao của Đảng hoạt động những ngày đầu cách mạng. Còn tại Bảo tàng thành phố, sẽ thú vị biết bao khi tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật vô giá kể về những năm tháng hoạt động đầy gian khổ, hy sinh mà vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng để thấm thía hơn về cái giá của hòa bình, no ấm hôm nay.

Đông rồi sẽ tàn, nhường bước gió xuân gọi lộc xanh trổ nõn trên những miền di tích xen giữa những công trình hiện đại đang chờ bạn đến và cảm nhận phong vận “địa cửu thiên trường” hun đúc từ thuở khai thiên lập địa. Miền cửa biển vốn là chốn trận tiền ngàn năm qua trải trăm trận can qua giờ đây bừng sáng bao công trình mới được kết tinh từ ý chí, trái tim của triệu người đưa con tàu quê hương vượt lên phía trước. Với thế nước đang thịnh, vận đất hanh thông và lòng người sục sôi đoàn kết, quyết tâm quật khởi, Hải Phòng đã trở thành một đô thị đa năng với đà phát triển mạnh mẽ, có môi trường sống an toàn, bền vững, hài hòa với thiên nhiên và di sản.

Bốn mùa quê tôi “Xuân theo đường hoa bưởi/ Hạ hóng gió biển khơi/ Thu tìm về vốn cổ/ Đông nhớ chiến công xưa”...

Đà Giang

Bình luận

ZALO