Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:06 GMT+7

Di sản ở biên cương

Biên phòng - Ngày 2-12-2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Phi-líp-pin đã chính thức được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Việt Nam, ngoài vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nơi được xem là cái nôi của nền văn minh lúa nước thì các dân tộc ở miền núi phía Bắc - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử cũng lưu giữ hoạt động này trong lễ hội truyền thống của mình.

qjd7_22b
Trò chơi kéo co dân gian được mô phỏng trên tranh Đông Hồ. Ảnh: Vân Anh

Sắc màu di sản

Theo đánh giá của UNESCO, kéo co là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc thuộc loại hình các thực hành xã hội, nghi lễ và lễ hội có ở nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Nghi lễ và trò chơi này đã được kiểm kê tại các quốc gia thành viên: Hàn Quốc (1969), Cam-pu-chia (2013), Phi-líp-pin (2013) và Việt Nam (2013). Loại hình này được đánh giá là nghi lễ rất cổ của cả vùng Đông và Đông Nam Á, mỗi nơi có cách thức thực hiện riêng nhưng tinh thần chung là mong muốn sự phồn thực, sinh sôi, phát triển.

Việt Nam, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Phi-líp-pin, 4 quốc gia đã đồng lòng xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO đề cử Nghi lễ và trò chơi kéo co. UNESCO rất khuyến khích các quốc gia thành viên hợp tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và tôn trọng sự đa dạng văn hóa thông qua việc xây dựng hồ sơ đa quốc gia. Đây cũng là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên Việt Nam tham gia đệ trình và được chấp thuận. 

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, kéo co vốn là nghi lễ cổ xưa của Việt Nam được thực hành vào các hội mùa xuân để cầu mong sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa với nhiều cách thức diễn trò khác nhau. Nghi lễ kéo co tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) là đôi bên ngồi trên đất kéo co bằng dây song luồn qua lỗ một cây cột gỗ chôn chặt xuống đất. Cột gỗ được đẽo gọt như một sinh thực khí, có lỗ tròn ở giữa biểu trưng cho âm dương.

Nghi lễ kéo co, hay còn gọi là kéo mỏ ở lễ hội đền Vua Bà, thuộc làng Xuân Lai (Sóc Sơn, Hà Nội) lại là kéo cọc tre, giống cách kéo của người Hàn Quốc. Và hầu hết các hội kéo co đều đi cùng với nghi thức tế lễ của các hội đền, hội làng... "Mấy chục năm nay, theo sự phát triển chung, người ta biến nó thành hoạt động thể thao. Họ bỏ câu chuyện của ngày xưa, bỏ qua ý nghĩa tâm linh của nghi lễ. Đó là một sai lầm" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

 Núi rừng vào hội

Hàng năm, lễ hội "Roóng poọc" của người Giáy ở Tả Van, thành phố Sa Pa, Lào Cai được tổ chức bên suối Mường Hoa thơ mộng, tạo nên một điểm hẹn văn hóa cho đồng bào bản địa và khách du lịch. Sau phần hành lễ trang trọng,  trò chơi dân gian diễn ra sôi động. Và khi đến sân kéo co thì hội đã trở thành cao trào với tiếng reo hò vang dội, hòa tiếng trống thúc giục. Mồ hôi túa ra trên gương mặt, ướt đầm lưng áo các "kéo thủ" càng khiến cho màn thi thêm kịch tính và hấp dẫn.

Nghệ nhân Sần Cháng, dân tộc Giáy khẳng định, từ một trò chơi dân gian cộng đồng, kéo co đã trở thành trò chơi mang tính nghi lễ, chỉ được tổ chức trong lễ hội xuống đồng vào dịp đầu xuân. Do đó, kéo co trở thành một nghi thức dân gian gắn liền với tín ngưỡng cầu mùa trong lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy, thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Không những thế, trò chơi này còn mang theo tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cá nhân trong cộng đồng.

Đương nhiên, với đặc thù mang tính vùng miền và tộc người, dù cùng là dân tộc Tày, Giáy, nhưng mỗi vùng lại tổ chức nghi lễ của trò chơi dân gian này theo những cách thức khác nhau. Tại huyện Văn Bàn, Yên Bái, đồng bào Tày ở đây dùng cây song làm dây kéo, còn người Tày Bắc Hà, Lào Cai lại dùng một loại dây leo ở rừng. Ngày tốt được chọn cho tổ chức lễ hội cũng tùy thuộc vào tập quán xuống đồng của từng địa bàn dân cư. Vùng người Tày Tây Bắc tổ chức vào ngày Thìn, còn vùng Đông Bắc thì hay làm vào ngày Hợi. Bên cạnh đó, mỗi lễ hội, tùy theo vị thần chủ của mình và phong tục địa phương để có thêm những nghi thức tế lễ khác như rước cá, tổ chức trò chơi dân gian ở sân đình. Một số bản của người Tày không có đình thì cộng đồng bản sẽ tổ chức ngay tại khu ruộng cấy.

Điều đáng lưu ý là, tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trò chơi kéo co thường được tổ chức vào lúc đầu giờ sáng, khi mặt trời lên, mang quan niệm về sự tươi sáng, sinh sôi. Việc chọn dây kéo cũng được hết sức coi trọng, vì nếu dây kéo tốt, kéo không đứt thì năm đó cả bản sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn. Dây kéo đồng bào thường dùng là dây song mây hoặc dây má me, tượng trưng cho pẻng luông, có nghĩa là rồng thiêng, mang sức mạnh dẻo dai. Vào giờ Thìn - giờ được coi là mát mẻ, vượng khí, người có uy tín của bản sẽ lên rừng để chọn được những sợi dây tốt, được nhiều may mắn, thuận lợi.

Bước vào cuộc thi, hai đội kéo co trong tâm thế "kéo rồng" hoặc "kéo mây" để cầu mong rồng phun nước, mây kéo mưa về đầy sông suối, đồng bãi cho cả bản. Chính vì lẽ đó mà "kéo co" còn thể hiện ước muốn chinh phục thiên nhiên, thần linh, bởi "kéo rồng" chính là kéo thần mưa. Theo quy định, đội nam đứng ở phía Tây và kéo nửa đầu gốc dây với quan niệm là thân và đầu rồng. Còn đội nữ đứng ở phía Đông kéo nửa dây phía đầu ngọn biểu trưng đuôi rồng. Người nam nào đứng cuối cùng phải chú ý không được cầm dây kéo mà phải ôm lưng người phía trước vì đầu cùng của dây kéo được coi là phần miệng và mắt rồng, nếu cầm vào là đã bịt mồm và mắt rồng, khiến rồng không phun được nước, dẫn đến hạn hán, mất mùa.

xc2i_22a
Trẻ em trên biên giới chơi trò kéo co dưới gốc hoa gạo đỏ. Ảnh: Vân Anh

Với người Giáy ở Thiên Hương, Đồng Văn, Hà Giang, phần thi kéo co cũng không thể thiếu được trong ngày hội xuống đồng của bà con. Ai cũng đều hào hứng, vì đây là trò chơi thể thao cần đến sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ và ý chí, đồng thời thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong một đội chơi và cầu mong cho gia đình, bản làng mình ấm no, hạnh phúc. Cảm xúc đó cũng sẽ được gặp ở hầu hết các lễ hội của người Thái, người Tày, người Giáy trên rẻo cao biên giới phía Bắc.

Khác với miền xuôi, hoạt động kéo co đang có xu hướng thể thao hóa, phổ cập như một trò chơi tập thể, thì trong cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Giáy, kéo co là một nghi lễ quan trọng mang tính tâm linh và là biểu tượng gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, với người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai) thì đó còn là hình thức kéo mừng chiến thắng. Để tưởng nhớ công lao Gia Quốc công Vũ Văn Mật và tướng quân Hoàng Vần Thùng đã nhiều lần tổ chức kháng chiến đánh bại quân xâm lược phương Bắc lấn chiếm biên giới, đội nam tượng trưng cho đội quân của Vũ Văn Mật, còn đội nữ tượng trưng cho quân giặc. Dân làng đứng xem hô vang: "Thấu du bưởng nọ - Chẩu dứ bưởng cuông", có nghĩa là "Giặc ở bên ngoài - Chủ ở bên trong". Hai bên kéo một hồi và cuối cùng, quân của ông Vũ Văn Mật đã đánh bại giặc ngoại xâm.

Nghi lễ và trò chơi kéo co đã trở thành di sản của nhân loại, là bài học sinh động về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí quyết tâm giành chiến thắng… Sức sống của di sản ở biên cương nằm trong chính bầu nhiệt huyết và quan niệm nhân sinh quan sâu sắc của đồng bào, làm nên bản sắc văn hóa cho cộng đồng dân tộc Tày, Thái, Giáy trên vùng cao biên giới.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO