Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 03:55 GMT+7

Đi trong "nhịp thở" Thuận An

Biên phòng - Xét trên mọi phương diện, xã biên giới Thuận An thuộc huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông là một trong những địa phương để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Nhìn về vóc dáng, đây được ví như “đô thị vùng biên” năng động và phát triển bậc nhất trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên. Về lĩnh vực an ninh, Thuận An giống như bản nhạc lúc bổng, lúc trầm, khi dồn dập, lúc khoan thai, đúng với “cá tính” của ngọn núi lửa Nâm Gleh R’luh nhìn ra biên giới, hừng hực lúc phun trào mà cũng đầy thánh thiện khi đã chìm vào giấc ngủ. Trong “nhịp thở” Thuận An khi dồn dập, lúc khoan thai ấy có những bước chân không mỏi của người lính Biên phòng (BP)...

Trung tá Nguyễn Đăng Tuấn (thứ 2, từ phải sang) và chỉ huy Đồn BP cửa khẩu Thuận An thăm, tặng quà người dân trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Có một thời để quên...

Không phải từ sau sự kiện gây rối ở Tây Nguyên vào năm 2001, Thuận An mới bị nhận diện là một trong những điểm nóng của hoạt động FULRO mà trước đó (những năm sau ngày giải phóng đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước), đây đã là “cung đường ám ảnh” đối với bất kỳ ai ngang qua bởi những tội ác do tổ chức khủng bố này gây nên. Nhằm tạo ra chút “thanh thế” nhưng thực chất là để lấp đầy bụng đói do lẩn trốn lâu ngày trong rừng, dọc con đường Trường Sơn (Quốc lộ 14 bây giờ) các toán FULRO thường xuyên tổ chức tấn công trụ sở chính quyền, giết hại cán bộ, xả súng nhắm vào thường dân.

Riêng tại 2 bon người dân tộc thiểu số M’nông là Sa Pa và Bu Đắk, tổ chức phản động FULRO còn hình thành nên bộ khung ngầm với những “sĩ quan cấp cao” tự phong để chỉ đạo các toán FULRO trong khu vực. Tại đây, chúng không chỉ đẩy mạnh các hoạt động khủng bố nhắm vào thường dân vô tội, mà còn thanh trừng, thủ tiêu lẫn nhau để tranh giành quyền lực, khống chế, ép buộc người trong bon tham gia tiếp tế lương thực, thực phẩm nuôi sống những tên FULRO đang lẩn trốn trong rừng.

Sau khi bị chính quyền và các lực lượng vũ trang mở các chuyên án, kế hoạch đấu tranh, kết hợp vận động đầu thú, nhiều toán FULRO nếu không bị tiêu diệt thì cũng phải ra trình diện trước nhân dân để được hưởng lượng khoan hồng, hoạt động FULRO theo đó gần như bị xóa sổ. Mặc dù vậy, tàn dư của thứ “ung nhọt” này vẫn lay lắt để chờ thời cơ gây rối.

Sau sự kiện Tây Nguyên năm 2001, Sa Pa, Bu Đắk một lần nữa trở thành tâm điểm gây mất trật tự trị an, khi một số đối tượng được sự hà hơi tiếp sức của bọn phản động FULRO lưu vong đã tuyên truyền kích động người nhẹ dạ cả tin tham gia gây rối, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và tổ chức vượt biên trái phép. Tuy nhiên, bằng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước cùng với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của chính quyền, nhân dân và các lực lượng chức năng trên địa bàn, an ninh trật tự cuối cùng cũng đã được vãn hồi. Một số đối tượng cốt cán như Y Ngheng ở bon Sa Pa, Y Wang (bon Bu Đắk) đã phải ra trước vành móng ngựa để nhận sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Đi qua một thời... để quên, “nhịp thở” Thuận An đã trở nên nhẹ nhàng, khoan thai hơn.

Dấu ấn của người lính mang quân hàm xanh

Có một thực tế rất dễ nhận thấy ở Thuận An đó chính là sự hiện diện của người lính BP trong từng “nhịp thở” dù là khi dồn dập hay lúc khoan thai. Nói một cách hình tượng hơn, giữa bầu trời biên giới, những “ngôi sao xanh” vẫn đều đặn xuất hiện và tỏa sáng.

Câu chuyện của Trung tá Nguyễn Đăng Tuấn, cán bộ BP tăng cường xã Thuận An khiến tôi liên tưởng đến tình yêu của những người lính mang quân hàm xanh dành cho mảnh đất này. Họ đã đến đây từ khắp mọi miền đất nước, xem biên giới là quê hương để kiến tạo, xây dựng và bảo vệ.

“Tôi đến đây, đảm nhận công việc của người cán bộ tăng cường đúng bằng thời gian một đứa trẻ sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành. Nói sao cho hết những công việc cá nhân tôi và đồng đội đã làm cho Thuận An, Sa Pa, Bu Đắk. Chỉ biết hôm nay hoàn thành một đầu việc, ngày mai lại có việc khác đợi mình. 19 năm 8 tháng có lẻ, đảm nhận các cương vị từ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã (2 nhiệm kỳ), sau đó là Đảng ủy viên, Trưởng ban Pháp chế HĐND xã, trực tiếp phụ trách bon Bu Đắk, tôi chỉ nhớ là mình đã đi, đi rất nhiều trong nhịp thở của mảnh đất này...” - Trung tá Nguyễn Đăng Tuấn chia sẻ.

Vâng, với ngần ấy thời gian là đủ để chàng trai trẻ quê ở Hải Dương “làm cũ” bản thân mình. Giờ đây, tóc đã phai sương, nhưng bước chân người lính BP vẫn dẻo dai trên đường quê biên giới. Cùng với Đồn BP cửa khẩu Thuận An, BĐBP Đắk Nông, cán bộ BP tăng cường xã đã tham gia rất nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến nông, khuyến học, xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở... Tại đây, những “cánh quân” làm công tác dân vận như đội địa bàn, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bon, phụ trách hộ gia đình đã thực hiện nhất quán phương châm “3 trực tiếp, 4 cùng” với nhân dân, vừa tham mưu hướng dẫn, vừa lao động sản xuất, mang đến nhiều niềm vui trong cộng đồng.

Cán bộ Đồn BP cửa khẩu Thuận An giúp nhân dân chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Thái Kim Nga

Thuận An hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân ở 2 bon khó khăn nhất là Sa Pa và Bu Đắk giờ cũng đã đạt đến con số 38 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Nông bắt tay xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao, với gần ½ chặng đường đã được chinh phục. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển là thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng bộ xã Thuận An có 320 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 17 chi bộ trực thuộc, trong đó có 75 đảng viên có đạo, 38 đảng viên người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương đều đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nhưng khá nhạy cảm về an ninh thì việc xây dựng, củng cố thực lực chính trị cơ sở là vô cùng quan trọng. Ở 2 bon Sa Pa và Bu Đắk, công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên luôn được cấp ủy, chính quyền và Đồn BP cửa khẩu Thuận An đặc biệt quan tâm. Chỉ trong 2 nhiệm kỳ, 2 chi bộ thôn này đã phát triển được 10 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lần lượt là Sa Pa (15), Bu Đắk (20).

Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Đăng Tuấn, người được Đảng ủy xã Thuận An giao trực tiếp phụ trách bon Bu Đắk thì đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, bởi công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tới 95-98% người dân theo đạo thì chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Để phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, các “cánh quân chủ lực” làm công tác dân vận của Đồn BP cửa khẩu Thuận An thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng trong giới trẻ, tham gia đóng góp sức mình vào sự phát triển của quê hương đất nước.

Có thể nói, trong “nhịp thở” Thuận An cả khi dồn dập cũng như lúc nhẹ nhàng, khoan thai luôn có sự hiện diện của người lính BP. Giữa đất trời biên giới, những bước chân cống hiến của người lính tựa như khúc quân hành kéo dài bất tận.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO