Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 08:15 GMT+7

Điểm mới về vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy và công tác cai nghiện của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021

Biên phòng - Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14) gồm 8 chương, 55 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 thay thế Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12 hết hiệu lực. Theo đó, những bất cập liên quan đến quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; về công tác cai nghiện; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác… đã được khắc phục, bổ sung.

Ảnh: minh họa

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng; có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình mình. Do đó, cần phải quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp phòng ngừa họ tái sử dụng chất ma túy; theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội.

Vì thế, quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã nâng cao vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy. Cụ thể, tại chương IV của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định rất rõ về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là chương được quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm tốt công tác này sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế đầu vào người nghiện cũng như các loại tội phạm.

Tại Điều 23 của Luật phòng, chống ma túy quy định nội dung cụ thể việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ 3 trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Để xác định người sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm dương tính được gửi ngay đến Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có kết quả xét nghiệm dương tính cư trú, để phục vụ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Luật cũng nêu rõ, trách nhiệm gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy (quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 25): Quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; Ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; Cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy cho Công an cấp xã nơi người đó cư trú; Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.

Bên cạnh đó, Công an xã có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Khi người sử dụng trái phép chất ma túy thay đổi nơi cư trú thì Công an cấp xã nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo cho Công an cấp xã nơi chuyển đến trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người đó chuyển khỏi địa phương để đưa vào danh sách và tiếp tục quản lý.

Không chỉ nâng cao vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy mà công tác cai nghiện ma túy sẽ được quy định sát sao hơn. Tại chương V về nội dung cai nghiện ma túy sẽ có 17 điều quy định về cai nghiện ma túy đã được sửa đổi toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện gồm: Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy. Biện pháp cai nghiện ma túy (quy định cụ thể tại Điều 28) gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.

Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng. Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (quy định cụ thể tại Điều 30) được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.

Thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 tháng đến 12 tháng, Nhà nước có hỗ trợ kinh phí với những trường hợp đủ điều kiện. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch UBND cấp huyện. Khi tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho UBND cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Để tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế để không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Luật đã quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Để bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em nên Luật đã có 1 điều riêng quy đinh cụ thể về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó có quy định về trách nhiệm của công an, Chủ tịnh UBND cấp xã, Phòng Lao động-thương binh xã hội huyện và Tòa án nhân dân cấp huyện (quy định cụ thể tại Điều 34).

Những quy định mới về nâng cao vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, về cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã sát với thực tiễn, góp phần ngăn chặn, hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm “nguồn cầu” về ma túy, cũng như các loại tội phạm. Như vậy, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 ra đời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh, từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội một cách hiệu quả.

Trung tá Đỗ Tuấn Thành

Bình luận

ZALO