Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 02:59 GMT+7

Điểm sáng trong phát triển của thành phố ven bờ sông Đắk Bla

Biên phòng - Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, sông Đắk Bla vẫn uốn khúc nên thơ, ôm trọn thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vào lòng. Dòng sông Đắk Bla không chỉ là thương hiệu, mà còn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Kon Tum.

Cầu Đắk Bla là cây cầu lâu đời nhất nối liền đôi bờ, tạo thuận lợi và góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Ảnh: Thúy Hạnh

Thành phố Kon Tum được thành lập theo Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 10/4/2009 của Chính phủ. Đến tháng 4/2024, thành phố có 21 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và 10 phường với dân số hơn 181 nghìn người, tăng hơn 40 nghìn dân so với năm 2009. Trong quá trình phát triển, thành phố đã phát huy tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, cùng với đó là những công trình kiến trúc cổ, điểm di tích lịch sử đấu tranh cách mạng, những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số sống lâu đời trên địa bàn, để hình thành nên những địa danh du lịch độc đáo thu hút du khách.

Diện mạo thành phố Kon Tum ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Một điểm nhấn đặc biệt trong việc phát triển không gian đô thị, đó là thành phố Kon Tum có 7 công trình vượt sông Đắk Bla. Về hệ thống giao thông, sau 15 năm xây dựng và phát triển, thành phố có thêm 58 tuyến đường, dài gần 110km được đầu tư làm mới, nâng hệ thống giao thông trên địa bàn lên 977 tuyến đường với chiều dài gần 704km. Trong đó, 128 tuyến bê tông nhựa, 64 tuyến láng nhựa, 446 đường bê tông xi măng, đường đất giảm từ 49% xuống còn 25%. Bên cạnh đó, hệ thống điện không lộ, cấp nước và cây xanh đô thị được thành phố quan tâm đầu tư, tạo không gian đô thị, hướng đến mục tiêu xanh, sạch, đẹp.

Đến nay, nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình phúc lợi mới được thành phố xây dựng và cải tạo, nâng cấp, góp phần tạo nên một thành phố hiện đại, hội nhập và phát triển. Những công trình hiện đại đang phát triển, cùng với dòng sông Đắk Bla đã tạo nên một vẻ đẹp đặc thù mà không nơi nào có được. Thành phố cũng được công nhận là đô thị loại 2.

Xác định dịch vụ thương mại và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng đi chủ lực, thành phố đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với thu hút đầu tư. Thông qua các hoạt động quảng bá, gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ đầu tư, thành phố đã trở thành địa chỉ tin cậy trong thu hút đầu tư với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Kết quả, năm 2023, thành phố Kon Tum đạt tổng giá trị sản xuất gần 6.370 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 96%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm dưới 4%.

Ngôi nhà sàn mang kiến trúc Ba Na được dựng lên với bao niềm tự hào của người dân thành phố Kon Tum. Ảnh: Thúy Hạnh

Nằm bên dòng Đắk Bla thơ mộng, thành phố Kon Tum có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là một trong hai vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Với nhiều thành quả đáng ấn tượng, như 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng trưởng kinh tế đạt gần 12,5%, thu ngân sách địa phương đạt trên 1.685 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 62 triệu đồng/năm (cuối năm 2023), tăng 47 triệu đồng/năm so với khi mới thành lập.

Đến tháng 4/2024, thành phố chỉ còn 338 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,73%; có gần 930 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2%. Anh A Hiếu, ở thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết vui mừng nói: “Hộ nghèo giờ ít rồi, nhiều hộ giàu lắm. Nhiều nhà có Internet để con em học hành, đường phố khang trang, sạch đẹp”. Chị Y Hler, ở thôn Kon Mơ Nây Kơ Tu 1, xã Đăk Blà là hộ gia đình đã thoát nghèo chia sẻ: “Gia đình tôi thoát nghèo rồi nên cũng tự tin hơn. Chúng tôi vay vốn ngân hàng chính sách để mua thêm bò, trồng thêm cây để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống”.

Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Kết, ông Phan Thi cho biết: “Chính quyền và người dân địa phương luôn đồng tâm hiệp lực hưởng ứng các phong trào thi đua. Đặc biệt là thay đổi tư duy, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng thu nhập, phát triển kinh tế”.

Có được kết quả ngày hôm nay là do thành phố Kon Tum đã phát huy tốt nguồn vốn Trung ương, của tỉnh và phát huy hiệu quả nguồn nội lực. Đặc biệt, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở thành phố Kon Tum đã làm tốt công tác kế thừa, phát huy truyền thống, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, làm nền tảng cho thành phố Kon Tum phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Trần Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum: “Thành phố có những bài học kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện linh hoạt, sáng tạo tại địa phương. Thứ hai, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội và sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Thứ ba, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời để nhân rộng mô hình. Việc nào chưa làm được, thì có kế hoạch khắc phục để thực hiện tốt hơn. Những việc nào đã làm tốt, thì nhân rộng để phát triển mô hình được tốt hơn”.

Với những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, diện mạo đô thị khang trang, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa, an ninh, quốc phòng được đảm bảo chính là cơ sở để thành phố Kon Tum là điểm đến du lịch hấp dẫn, trở thành điểm sáng trong phát triển. Thành phố ven sông Đắk Bla hy vọng sẽ trở thành đô thị loại I trong thời gian sớm nhất.

Thúy Hạnh

Bình luận

ZALO