Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:20 GMT+7

Điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hương Khê

Biên phòng - Những năm gần đây, nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) mà diện mạo của nhiều xã miền núi, biên giới, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có sự đổi thay tích cực. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai, nhân rộng đã giúp cuộc sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Cán bộ khuyến nông xã Hương Liên hướng dẫn bà con dân tộc Chứt trồng trọt. Ảnh: Ngô Tuấn

Huyện Hương Khê có 293 hộ/1.061 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số Lào, Mường và Chứt sinh sống. Riêng đồng bào dân tộc Chứt hiện có 62 hộ/210 nhân khẩu, nằm trong khu vực địa giới hành chính của xã Hương Liên và xã Hương Vĩnh, trước đây cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do thiếu diện tích đất sản xuất, trình độ canh tác cây trồng, chăn nuôi của người dân còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng thiếu nguồn vốn để hỗ trợ người dân để phát triển kinh tế. Nhưng từ năm 2022 đến nay, khi có nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, huyện Hương Khê đã tập trung phân bổ, chỉ đạo các xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho nhân dân. Đến nay, mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hương Khê đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng hóa sinh kế, có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê nơi có 44 hộ/153 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Trước đây, do đất sản xuất ít, lại bạc màu, người dân gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt, phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, xã Hương Liên đã thành lập Tổ sản xuất bản Rào Tre gồm 20 hộ dân tham gia. Trên cơ sở nguồn ngân sách được phân bổ, chính quyền địa phương đã tập trung cải tạo đồng ruộng, đất canh tác tại khu vực ven sông Ngàn Sâu với diện tích 2,65 ha để người dân trồng trọt. Cùng với đó còn cử lực lượng, tổ chức làm đất, xây dựng hàng rào, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi bò nái sinh sản. Ngoài ra, tổ sản xuất sẽ được hỗ trợ 1 máy cày, bà con dân bản được hỗ trợ mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất như cuốc đào, cuốc bàn, cào sắt… Cùng với đó, xây dựng 20 chuồng trại cho 20 hộ dân tham gia dự án. Bên cạnh đó, những năm qua, chính quyền địa phương cũng luôn ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vùng đồng bào sinh sống. Đơn cử như công trình điểm trường mầm non bản Rào Tre với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; đường giao thông nông thôn 1,75 tỷ đồng…

Đồng bào dân tộc Chứt vui Tết Lấp lỗ. Ảnh: Ngô Tuấn

Còn tại bản Giàng II thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh, nơi có 12,8km đường biên giới với 15 hộ/56 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Chứt sống chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, chính quyền địa phương xã Hương Vĩnh đã lựa chọn 7 hộ dân trong bản xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Các hộ dân này được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, cấp bò giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên việc duy trì các mô hình phát triển sản xuất tại thôn, bản dân tộc, miền núi còn khó khăn do các hộ gia đình chưa chủ động trong sản xuất, chưa chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để phát triển và nhân rộng các mô hình. Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết, mất cân bằng giới tính trong độ tuổi vị thành niên (nam gấp 3 lần so với nữ) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng là một thách thức không nhỏ.

Cùng với việc xây dựng, nhân rộng sản xuất cho người dân, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Hương Khê đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết như: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nhất là nhóm dân tộc thiểu số ít người gặp rất nhiều khó khăn.

Viết Lam

Bình luận

ZALO