Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 12:07 GMT+7

Điểm tựa nơi đầu sóng

Biên phòng - Trong cuộc mưu sinh nhiều gian nguy, bất trắc trên những con tàu đánh bắt cá ngừ đại dương giữa biển xa, ngư dân các làng biển của TP Tuy Hòa, Phú Yên luôn vững tin, ấm lòng khi biết rằng, phía sau con tàu của mình luôn có những người lính Biên phòng làm điểm tựa, đồng hành cùng bà con trên mọi hành trình vươn khơi, bám biển.

Bài 3: Đồng hành giữa biển khơi

Cùng ngư dân vượt nạn

Ngư dân trẻ Phạm Xuân Tránh, một chủ tàu ở phường 6, TP Tuy Hòa cùng anh em lao động của mình từng cận kề lằn ranh sinh tử khi con tàu anh bị chìm tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa cách đây gần 3 năm. Sau khi được cứu nạn trở về, anh Tránh đã sắm lại chiếc tàu mới trên 300 mã lực để tiếp tục thực hiện khát vọng bám biển, làm giàu từ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Song, câu chuyện thoát nạn ngày ấy luôn in sâu trong tâm trí anh như một dấu son của nghĩa tình quân dân không phai nhạt.

Anh Tránh kể, hôm ấy là 27-11, vào giữa mùa mưa bão, tàu anh đang thả câu, cách đảo Song Tử Tây 30 hải lý thì bị sóng lớn đẩy vào bãi đá ngầm. Con tàu thủng một lỗ nhỏ bên mạn, nước tràn vào khoang. Sau khi tự bơm nước ra ngoài khắc phục sự cố nhưng không thành, anh Tránh lên máy đàm thoại gọi về Trạm KSBP Đà Rằng (thuộc Đồn BP Tuy Hòa) nhờ anh em BĐBP vận động phương tiện hỗ trợ lai dắt. Trung úy Nguyễn Lê Trúc Thân (ngày ấy là Trạm trưởng) đã liên tục dùng máy đàm thoại, vận động những tàu đang đánh bắt gần khu vực đến giúp đỡ. Song, các phương tiện đều ở rất xa chỗ tàu bị nạn, chiếc gần nhất ước tính phải mất hai ngày đêm mới có thể tiếp cận.

gp7j_7a
Cán bộ Trạm KSBP Đà Rằng tuyên truyền, vận động ngư dân TP Tuy Hòa chấp hành các quy định khi hoạt động trên ngư trường. Ảnh: Phương Oanh

Chiều tối, sóng biển lớn dần, gió càng mạnh, nước biển tràn vào khoang tàu rất nhanh. Những cán bộ của Trạm KSBP Đà Rằng thay nhau lên máy đàm thoại, tìm mọi cách trấn an, động viên ngư dân bình tĩnh để giữ con tàu không bị chìm. Trạm trưởng Thân cũng cho biết, đã đề nghị được Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đưa tàu đi cứu nạn.

Trời sụp tối, các thuyền viên vẫn tát nước và chờ đợi. Hầu hết anh em đều lạnh cóng, tay chân rã rời vì mệt, hoang mang và không còn đủ bình tĩnh chú tâm vào việc bơm, tát nước. "Quả thật, nếu không có anh em Trạm KSBP Đà Rằng theo suốt trên đàm thoại để trấn an, nhắc nhở, chúng tôi đã bỏ mất cơ hội được cứu sống. Bởi, cứ nghĩ khó có đường sống sót, mọi người đã ứa nước mắt và không còn làm chủ hành động của mình. Chiếc máy đàm thoại cũng suýt bị chúng tôi để chìm" - anh Tránh nói tiếp.

Khi bóng đêm phủ xuống mặt biển đen kịt cũng là lúc Phạm Xuân Tránh nghe giọng Trạm trưởng Nguyễn Lê Trúc Thân báo cho biết, tàu Hải quân đã gần tiếp cận khu vực tàu bị nạn. Tuy nhiên, do sóng gió trên biển, máy đàm thoại của tàu bị nạn không thể tiếp nhận các cuộc nói chuyện từ tàu Hải quân. Mọi trao đổi vẫn liên lạc qua Trạm KSBP Đà Rằng.

Trong chốc lát, các thuyền viên nhận ra một vệt sáng loang loáng bắt đầu lóe lên phía trước và mỗi lúc một rõ dần. Biết tàu cứu nạn đã tới, anh em òa khóc vì mừng. Nhưng lại có giọng của Trạm trưởng Thân, "phía trước có bãi đá ngầm, tàu Hải quân không thể tiến vào được!". Khoảng cách gần 2 hải lý giữa biển đêm, trong sóng gió quăng quật, làm sao để chúng tôi bơi tới tàu Hải quân mà không bị trôi lạc hướng. Vẫn giọng của người Trạm trưởng: "Anh em giữ bình tĩnh, làm đúng theo hướng dẫn của chúng tôi" - anh Phạm Xuân Tránh kể. Các thuyền viên lấy chùm dây của giàn thẻo câu, cột một đầu dây vào mũi tàu của mình, phần còn lại bỏ vào thúng. Hai thuyền viên bơi giỏi nhất đã xuống thúng, dùng mái chèo, lợi dụng dòng chảy và gió, chèo thúng đi nhanh về hướng có ánh đèn pha phát sáng. Giàn dây thẻo câu được rải theo dọc đường bơi thúng.

Hơn 30 phút thì những người trên thúng tiếp cận được tàu Hải quân. Một đường dây nối từ tàu bị nạn đến tàu Hải quân cũng đã được thiết lập. Hai người một đợt, lần lượt xuống thúng. Giữa biển đêm mênh mông, với sức gió cấp 6, cấp 7, các thuyền viên đã lần theo đường dây này để chèo thúng, vượt gần 4 cây số trong sóng to, gió lớn để tới con tàu cứu nạn mà không bị trôi lạc. Khi tất cả thuyền viên đã lên hết trên tàu Hải quân là lúc anh em Trạm KSBP Đà Rằng nhận tin đã cứu nạn thành công. Lúc đó là 1 giờ sáng, chiếc đèn pha của tàu HQ 734 kịp quét một đường sáng về hướng tàu cá gặp nạn đúng lúc con tàu chìm mất dạng. "Nếu anh em Đồn BP Tuy Hòa và các chiến sĩ Hải quân trên tàu HQ 734 không hết sức cố gắng, chúng tôi đã mãi nằm lại giữa biển khơi" - Phạm Xuân Tránh tâm sự.

Câu chuyện vượt nạn của các thuyền viên trên tàu của Thuyền trưởng Phạm Xuân Tránh chỉ là một điển hình trong hàng trăm trường hợp tàu cá bị nạn giữa biển được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng tổ chức cứu nạn thành công trong nhiều năm qua.

Sổ nhật ký tại Trạm KSBP Đà Rằng ghi lại những cuộc đàm thoại với ngư dân trên biển từ năm 2010 đến nay, con số thứ tự đã trên 300. Những dòng tin liên quan đến cứu hộ cứu nạn được ghi bằng bút đỏ. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá TP Tuy Hòa cho biết, vốn đi lên từ nghề đánh bắt nhỏ ven bờ, hầu hết phương tiện hành nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa đều là tàu thuyền sử dụng máy móc cũ được đại tu, thân vỏ tàu gỗ qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, không đảm bảo chất lượng hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn. Đây chính là nguyên nhân của những tai nạn bất ngờ.

"Tôi đã nhiều lần chứng kiến CB, CS Trạm KSBP Đà Rằng thức trắng bên máy đàm thoại, hết sức nỗ lực kêu gọi, vận động để ứng cứu ngư dân bị nạn trên biển. Nếu không có sự đồng hành, lo lắng và hy sinh hết mình của anh em để cứu giúp ngư dân, chắc chắn sự mất mát, thiệt hại từ những sự cố trên biển là không thể kể hết" - ông Thuẫn xúc động nói.

Vững tin giữa biển xa

Thuyền trưởng Lê Văn Giúp, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn (TTAT) 01 ở phường 6, TP Tuy Hòa được nhiều người biết bởi tinh thần quyết tâm bám biển hết sức mạnh mẽ. Giữa năm 2011, một phương tiện trong tổ của anh bị một tàu nước ngoài uy hiếp, nổ súng bắn đe dọa, xua đuổi ra khỏi ngư trường đang đánh bắt. Sau cuộc điện đàm gọi về báo cáo với cán bộ Đồn BP Tuy Hòa, anh đã xác định nơi tàu đồng nghiệp mình đang thả câu là lãnh hải đất nước.

Tổ trưởng Lê Văn Giúp lên máy đàm, kêu gọi anh em trong tổ chạy đến yểm trợ đồng đội. Sau đó, anh em trong tổ kiên quyết neo phương tiện "nằm lì" chứ không rời bỏ ngư trường của mình. Sau một ngày đêm khống chế, khủng bố không thành công, chiếc tàu kia đã bỏ đi. Đúc kết câu chuyện giữ ngư trường của mình, anh Giúp cho biết, năm 2006, anh và nhóm anh em trong đội tàu được Đồn BP Tuy Hòa kết nạp vào mô hình tổ TTAT, phân công anh làm tổ trưởng.

Từ đó, trên đường làm ăn, gặp bất cứ chuyện gì bất thường, các phương tiện trong tổ của anh Giúp đều liên lạc cho nhau và báo tin về Trạm KSBP Đà Rằng và Đồn BP Tuy Hòa để được tư vấn.  Anh Giúp cho biết, từ khi có tổ TTAT, anh em luôn gắn kết, yểm trợ nhau khi gặp giông gió, mưa bão và chia sẻ thông tin ngư trường nên chuyến đánh bắt hiệu quả hơn trước rất nhiều. "Có đội, có đoàn, chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày hơn, tàu ra biển là cứ đi miết, làm miết, đến khi có đầy cá, có dư để chia cho bạn thì mới quay về bờ" - anh Giúp nói. 

Thuyền trưởng Trần Như, ở khu phố 6, phường Phú Đông là tay săn cá ngừ đại dương lão luyện. Từ hai bàn tay trắng, bây giờ đã là tỷ phú, ăn nên, làm ra song nói về mối ân tình mà CB, CS Đồn BP Tuy Hòa dành cho ngư dân trong làng, anh không giấu được niềm xúc động. Trần Như tâm sự, ngày trước, mùa biển động là ngư dân neo ghe nằm nhà nhưng giờ thì đi biển đánh bắt suốt năm, không sợ sóng gió. Để bảo vệ ngư dân trong mùa biển động, Đồn BP Tuy Hòa yêu cầu ngư dân phải mở máy đàm thoại, thường xuyên liên lạc với Trạm KSBP Đà Rằng.

"Năm 2009, tổ đội của tôi gồm 7 phương tiện đang đánh bắt trên vùng biển cách bờ 400 hải lý thì nghe tin có bão đến. Cùng lúc, gió đã bắt đầu "săn", cả đội lo lắng chưa biết chạy đi đâu cho kịp để tránh bão bởi theo dự đoán, chừng 15 giờ nữa bão sẽ đi qua khu vực chúng tôi đang neo tàu. Trước tình thế nguy cấp, chúng tôi bật máy đàm thoại. May, anh em Đồn BP Tuy Hòa đang túc trực 24/24 giờ tại máy. Nắm bắt tình hình, đơn vị đã báo cáo về Bộ Chỉ huy để đề nghị với Bộ Ngoại giao Philippines cho đội tàu của chúng tôi ghé vào đảo của nước bạn trú tránh. Nhờ vậy cả tổ đã qua được nguy hiểm" - anh Như nhớ lai.

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên cho biết, để đồng hành, sát cánh cùng bà con ngư dân trên mỗi hành trình vươn khơi, bám biển, nhiều năm qua, BĐBP Phú Yên đã đứng ra vận động thành lập 105 tổ TTAT, với hàng ngàn phương tiện và hơn 5.000 ngư dân tham gia. Qua hệ thống thông tin bằng đàm thoại tầm xa các tổ TTAT chủ động liên lạc nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin, vận động ngư dân hỗ trợ nhau trên biển. Với mô hình này, bà con đã tổ chức ứng cứu kịp thời các vụ tai nạn, hàng trăm tàu thuyền bị hỏng máy, bị phá nước giữa biển được lai dắt về bờ an toàn, hàng chục ngư dân bị nạn được cứu vớt. Đáng ghi nhận là nhờ việc tổ chức ứng cứu kịp thời, những năm gần đây, không có người chết, mất tích khi có tai nạn tàu thuyền trên biển.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO