Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 06:47 GMT+7

Điểm tựa vươn khơi

Biên phòng - Nhiều người vẫn gọi Đội "tàu thuyền đoàn kết" của lão ngư Bùi Thanh Ninh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là "Tập đoàn Sáu Ninh" bởi quy mô và phương thức làm ăn năng động, chặt chẽ. Là người "đứng mũi chịu sào" cho 14 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất hơn 4.000CV, ông Ninh đã trở thành "điểm tựa" vững chắc cho 120 lao động yên tâm bám biển, vươn khơi.

 89010b2.gif
 Ông Ninh kiểm tra việc nâng cấp tàu lên 450CV tại xưởng đóng tàu. Ảnh: Công Cường.

Thuận lợi đủ đường

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề biển, lão ngư Bùi Thanh Ninh (thường gọi là Sáu Ninh) đã có gần 40 năm gắn bó với nghề. Ông không có vóc dáng to khỏe của một ngư phủ, nhưng cũng như bất cứ người nào sinh ra trong gia đình làm nghề biển, sau những chuyến vươn khơi, biển trở thành phần không thể thiếu với cuộc đời. Làm nghề biển, ai cũng hiểu biển hiền hòa, cho tôm cá, nhưng cũng vô cùng dữ dằn với những cơn cuồng phong. Nhưng tất cả những thứ ấy không khiến các ngư phủ ở Bình Định "ngán" bằng những con tàu lạ trên biển.

Không ít người vô cớ bị bắt bớ, tù đày, buộc phải nộp tiền chuộc. Nhiều thuyền trở về tay không vì bị cướp hết ngư lưới cụ, hải sản vừa đánh bắt được. Những điều đó khiến ông Ninh và nhiều người day dứt. Câu chuyện về Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bất chấp hiểm nguy, bất chấp bắt bớ, tù đày vẫn tiếp tục vươn khơi đã tiếp thêm nghị lực và ý chí cho ngư phủ nơi đây quyết tâm bám biển. Bởi vậy, khi cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tam Quan Nam, BĐBP Bình Định đến tuyên truyền, vận động thành lập tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển, Sáu Ninh đã nhất trí ngay vì biết rằng, đây là nơi "cứu cánh" cho tàu của ngư dân trước những con tàu lạ. Không những vậy, các tàu còn cùng nhau chia sẻ ngư trường, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn, bão tố trên biển. Thật là thuận lợi đủ đường.

Cho đến giờ, ở Bình Định đã có gần 300 tổ, đội tàu đoàn kết, nhưng chưa có đội tàu cá nào lại hùng hậu, sánh được với đội tàu của ông Sáu Ninh. Hiện tại, ông và những "cộng sự" đang sở hữu 14 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, với tổng công suất hơn 4.000CV. Là tài công của các tài công, ông là điểm tựa vững chắc cho đội tàu với 120 con người gắn bó với nghiệp biển. Song, người ta không chỉ nể phục về sự hoành tráng của đội tàu mà rất cảm phục cách làm ăn chỉ có ở "Tập đoàn Sáu Ninh".

Chỗ dựa vững chắc

Nếu như ở các tổ, đội tàu thuyền khác, sự hỗ trợ nhau giữa các tàu chủ yếu là chia sẻ ngư trường, giúp đỡ nhau khi gặp nạn trên biển thì ở tổ, đội ông Sáu Ninh, mọi người giúp nhau trên mọi mặt. Mỗi chiếc tàu, ông Ninh giao cho 1 tài công quản lý. Để được làm tài công, người đó phải có phần hùn cỡ 1/4 cho đến một nửa tổng tài sản của con tàu để nâng cao trách nhiệm. Các tài công trẻ, mới lập nghiệp, chưa đủ tài chính, ông Ninh đứng ra vay giúp. Mỗi chuyến biển đạt lợi nhuận, thành quả sẽ phân chia theo tỷ lệ đóng góp sau khi đã trừ phần vốn và lãi trả ngân hàng. Nếu tàu cập bờ không đạt, ông lại tạm ứng phần vốn và lãi suất ngân hàng để tàu có thể tiếp tục bám biển, vươn khơi.

Anh Lý Văn Vinh (thôn Thạch Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), 37 tuổi, nhưng đã có tới 20 năm gắn bó với nghề biển. Muốn tính chuyện vươn khơi nhưng dồn hết các khoản, anh mới chỉ có 350 triệu đồng. Nghe tiếng ông Sáu Ninh hay làm việc nghĩa, anh đã tìm tới. Cảm thông với hoàn cảnh của anh Vinh, ông Ninh đã đứng ra kêu gọi mọi người hùn vốn với anh Vinh và ông đứng ra vay ngân hàng để hỗ trợ. Kết quả, anh Vinh đủ tiền đóng mới con tàu 450CV, trị giá gần 3 tỷ đồng. Đến nay, tàu đã đi được 6 chuyến, ngoài phần chia cho bạn, anh Vinh đã trả được hơn 1 nửa số tiền vay ngân hàng.

Tài công Nguyễn Sinh (thôn Cửu Lợi, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) vừa mới hoàn thành căn nhà to, đẹp nhất thôn, chia sẻ câu chuyện của mình: Gần 15 năm gắn với biển, anh có nhiều kinh nghiệm, nhưng vì không có đủ tiền đóng tàu, anh chỉ "đi bạn" cho các tàu khác, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày cho gia đình. Như bất cứ người đi biển nào khác, người đàn ông này vẫn mơ ước có 1 con tàu của riêng mình. Năm 2011, anh về đầu quân cho đội tàu của ông Sáu Ninh. Vốn đã nghe tiếng tăm đi biển của anh Sinh, ông Ninh đã tiếp nhận anh vào đội tàu của mình. Việc đầu tiên là ông cho anh Sinh mượn trước 250 triệu đồng để xây nhà mới thay cho căn nhà ọp ẹp bấy lâu của anh. Tiếp đó, ông đã giao cho anh con tàu 450CV để hành nghề. Theo thỏa thuận, anh Sinh sẽ có 50% cổ phần con tàu nếu trong thời gian tới, anh vận hành và thu lợi qua những chuyến đi biển.

 79610a2.gif
Dù ở nhà nhưng ông Ninh vẫn thường xuyên liên lạc với các tài công qua máy ICOM để nắm tình hình.    Ảnh: Công Cường.

Trở thành "điểm tựa" cho 120 con người, nhưng chưa khi nào ông Sáu Ninh bằng lòng về việc mình làm. Hiện tại, ông cho nâng cấp toàn bộ đội tàu của mình lên đồng loạt 450CV, với mục đích vươn khơi xa hơn nữa. Trong làm ăn, ông rất chặt chẽ nhưng vẫn luôn đề cao "cái tình". Đó cũng chính là "bí kíp làm ăn" của ông để đội tàu thuyền đoàn kết Sáu Ninh tồn tại và phát triển.

Những lời tâm sự của ông với chúng tôi về việc ông đang làm mộc mạc, chân thành như chính con người làm nghề biển: Cả đời đi biển, chúng tôi luôn coi Trường Sa, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của mình. Vừa qua, xảy ra những chuyện phức tạp trên biển, nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước bởi ý chí, lòng yêu biển đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục bám biển, vươn khơi. Quyết định 48 của Chính phủ chính là cứu cánh và là động lực tích cực cho ngư dân vươn khơi trong điều kiện giá cả thị trường liên tục biến động, đặc biệt là giá xăng dầu. Tuy nhiên, điểm tựa vững chắc của ngư dân là gia đình, dòng họ, là bạn thuyền. Chúng tôi đoàn kết lại, người này trở thành "điểm tựa" của người kia để có thể vươn khơi, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ được chủ quyền biển, đảo quê hương.

Trúc Hà- Công Cường

Bình luận

ZALO