Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 04:48 GMT+7

Điện Biên Phủ - Sự kiện lịch sử chấn động thế giới

Biên phòng - Ngay khi Võ Nguyên Giáp chuẩn bị bao vây Điện Biên Phủ, ông đã duy trì sức ép ở nơi khác với người Pháp. Từ ngày 10-12-1953, ông tiếp tục chỉ huy tấn công Lai Châu. Trong vòng 10 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân đội của ông đã diệt 24 đại đội lính Pháp. Tại Lào, với sự góp sức của bộ đội Pa-thét Lào, các đơn vị của Võ Nguyên Giáp tiếp tục giao chiến với quân Pháp. Trong những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2, quân đội của Tướng Giáp lại mở cuộc tiến công Đắk Tô, toàn bộ tỉnh Kon Tum thất thủ. Tướng Giáp nhận thấy, Pháp phải rút bớt quân ở đồng bằng sông Hồng để tăng cường cho Trung Lào rồi chuyển xuống ứng cứu cho Tây Nguyên. "Cuộc tiến công của chúng ta ở Tây Nguyên tiếp tục đến tháng 6-1954 và giành được chiến thắng vang dội ở An Khê, đánh tan Trung đoàn cơ động 100 của Pháp rút từ mặt trận Triều Tiên về và tiếp đó giải phóng An Khê". Ngoài tổn thất về quân số, Pháp còn bị phá hủy và tịch thu nhiều xe, vũ khí, đạn dược.

vylg_20-1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai, từ phải sang) và Bộ Tham mưu trong chiến dịch. Ảnh: Tư Liệu

Nhưng chưa phải đã hết, Tướng Giáp nhận thấy cần phải triệt nguồn tiếp tế bằng máy bay của Pháp. Các đơn vị đặc nhiệm xâm nhập vùng châu thổ sông Hồng tiến vào tận ngoại ô Hải Phòng và Hà Nội, phá hủy 78 máy bay đang đậu tại sân bay Cát Bi và Gia Lâm để chở đồ tiếp tế lên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ cũng quét sạch nhiều vị trí kiên cố dọc đường số 5 nối liền Hải Phòng với Hà Nội là con đường tiếp tế huyết mạch của quân đội Pháp. Võ Nguyên Giáp hy vọng nhiều ở kết quả của các trận tấn công đó. Ở miền Nam, trên một nghìn đồn bốt của Pháp bị quân đội của Tướng Giáp đánh chiếm, buộc phải rút bỏ. Quân đội của Tướng Giáp đã tiến công và đánh đắm nhiều tàu chiến ở cảng Sài Gòn và nơi khác. Ngay trong khi trận Điện Biên Phủ dang diễn ra, Tướng Giáp tiếp tục ra lệnh cho một số đơn vị đến những địa điểm cách 200 - 300km để mở các cuộc tấn công bất ngờ vào doanh trại Pháp rồi lại trở lại mặt trận Điện Biên Phủ tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nhìn vào đâu, Võ Nguyên Giáp cũng thấy tinh thần đấu tranh kiên cường, biểu hiện rõ của chủ nghĩa anh hùng.

Trong lúc quân Pháp đang lúng túng thì quân dân du kích của Võ Nguyên Giáp tiến công có hiệu quả vào hậu phương của địch. Kết hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đội quân của Tướng Giáp hoạt động ở vùng tạm chiếm suốt từ Bắc chí Nam đã vô hiệu hóa sự kiểm soát của Pháp. Võ Nguyên Giáp nghĩ rằng, có thể khẩu hiệu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gieo một luồng phấn khởi mới mẻ trong nhân dân. Ông tán thành phương châm "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Quân đội của Võ Nguyên Giáp đã đến vị trí và sẵn sàng. Xông lên hàng đầu, xung phong chính diện, chiến tranh chiến hào, đòi hỏi những người lính dũng cảm tuyệt đối.

Ngày 11-3-1954, cuộc đụng độ đầu tiên về bộ binh giữa Việt Minh và Pháp xảy ra. Sáng đó, quân đội Pháp đang hành quân chiến đấu thì gặp phải hai đơn vị Việt Minh lợi dụng đêm tối đào hầm hào dưới chân hàng rào quanh cứ điểm Gabrielle (Độc Lập). Quân Pháp đã đẩy lui Việt Minh sau khi bắn hạ 58 bộ đội của Tướng Giáp. Hoạt động nhỏ nhoi này làm mát lòng đôi chút, khiến cho quân Pháp vững tin hơn vào khả năng chống đỡ các đợt tấn công sau này. Người Pháp không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Ngày 13-3-1954, hồi 17 giờ, các làn đạn pháo của Việt Minh bắt đầu chụp lên đồi Him Lam - trung tâm các công sự phòng thủ ở Điện Biên Phủ. Thời đại nguyên tử đã bắt đầu, nhưng Võ Nguyên Giáp lại tôn vinh các chiến thuật trong chiến tranh bao vây. Cuộc vây hãm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được tiến hành trong ba đợt:

- Phá hủy đường băng sân bay phân khu Bắc và chiếm lĩnh ba cứ điểm ngoại vi: Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và Anne Marie (Bản Kéo) (đợt 1). Thắt chặt vòng vây tiêu diệt phân khu trung tâm đầy ắp lực lượng đề kháng, xung quanh đường băng và xung quanh Mường Thanh, nơi đặt chỉ huy sở của Đờ Cát-xtờ-ri (đợt 2). Tiến công lần cuối cùng, tiêu diệt nốt phần còn lại, kể cả cứ điểm Isabella (Hồng Cúm) (đợt 3).

Từ ngày 10 đến 12-3, pháo binh của Tướng Giáp bắn phá sân bay Mường Thanh, tạo nên những hố sâu trên đường băng làm quân Pháp bị bao vây bên trong tập đoàn cứ điểm rụng rời và nghĩ rằng, lối thoát duy nhất đã đi tong. Nếu đường băng bị phá hủy, họ khác nào lũ chuột trong tổ bị bịt kín lỗ, như cua trong giỏ đậy kín nắp. Ngay cả thương binh cũng hết đường di tản. Khi cuộc bắn phá sân bay bắt đầu, tướng Cô-nhi lúc đó đang ở Điện Biên Phủ. Ông ta vội vã lên máy bay và lệnh cho phi công cất cánh ngay lập tức, kẻo không kịp!

Quân Pháp bị bất ngờ ngay từ đầu cuộc vây hãm. Đến lúc đó, trong kế hoạch nghi binh, Võ Nguyên Giáp mới sử dụng pháo 75mm. Chỉ đến ngày 13-3, khi trận đấu mở màn bắt đầu, Tướng Giáp mới hạ lệnh cho các khẩu pháo 105mm vào trận. Ông đã đánh lừa quân Pháp và dẫn họ đến chỗ tin vào những điều họ muốn tin. Bây giờ, quân Pháp bắt đầu trả giá cho tính kiêu căng của mình, bởi khả năng pháo binh của Võ Nguyên Giáp vượt xa những ước lượng của các cơ quan tình báo Pháp.

Bao vây Điện Biên Phủ tất cả có 144 khẩu pháo 75mm và 105mm, khoảng 36 vũ khí nặng các cỡ khác nhau (cao xạ, đại liên, súng cối) và những ngày cuối cùng có từ 12 đến 16 giàn hỏa tiễn Ca-chiu-xa của Liên Xô. Rất nhiều khẩu pháo được đặt trong các hầm đào sâu trong sườn núi, đối diện với quân Pháp, được che chắn bằng các lớp đất dày hàng mét chỉ chừa một lỗ cho đạn ra khỏi nòng phát hỏa. Ngoài ra còn có các trận địa pháo giả khác để nghi binh, đánh lạc hướng các kính ngắm pháo binh và máy bay trinh sát của địch.

Tướng Giáp thận trọng chọn lựa cách đánh và mục tiêu cho pháo binh. Pháo thủ của ông không được huấn luyện nhiều, hệ thống liên lạc của pháo binh không hiện đại để các quan sát viên sử dụng các thiết bị radio hay điện thoại hướng dẫn tọa độ cho các pháo thủ như trong quân đội phương Tây. Quân đội của ông chưa được huấn luyện cho loại chiến tranh này. Nhưng họ đã chứng tỏ, nắm chắc kỹ thuật thao tác các khẩu pháo, để kiểm tra đường bắn, có thể bắn trúng các mục tiêu ở xa và vận dụng hoàn hảo cái mà trong bắn pháo người ta gọi là bắn qua ống chuẩn trực hoặc theo cặp vũ khí - mục tiêu.

Không phải bắn 25.000 phát như ước tính của tình báo Pháp mà trong trận Điện Biên Phủ, các khẩu pháo của Việt Minh đã bắn tới 103.000 quả đạn 75mm hoặc cỡ to hơn nữa. Như thế là Võ Nguyên Giáp đã hai lần làm người Pháp phải hoang mang: Vừa bằng sự xuất hiện bất ngờ, vừa bằng hỏa lực của pháo binh. Người Pháp không nghĩ rằng đối phương có đến 60 khẩu pháo 75mm. Ba phần tư tổn thất của Pháp không phải là do các trận giáp lá cà với bộ binh mà là do các loạt đạn pháo của đối phương tiêu diệt.

Trong khi chuẩn bị kế hoạch tấn công, Võ Nguyên Giáp nhận rõ những vấn đề khó khăn của Pháp. Sau này ông kể lại: "Chúng tôi thực sự biết rõ kẻ địch và chúng tôi cũng biết rõ mình. Chúng tôi nắm chắc quy luật chiến tranh và chúng tôi đã luôn luôn kiên quyết giữ thế chủ động. Người Pháp... không thiếu sức mạnh vật chất, không thiếu vũ khí và cả những tướng tài. Nhưng chiến tranh của họ là phi nghĩa, họ không bao giờ nắm vững được quy luật chiến tranh".

Quân lính của Tướng Giáp tránh đạn pháo của địch bằng cách đào các chiến hào. Không có gì lay chuyển nổi, các đường hầm đó tiến dần đến các vị trí phòng thủ, kẹp chặt các cứ điểm của Pháp. Lính của Tướng Giáp còn đào hầm ngầm đặt mìn ở ngay bên dưới cứ điểm của Pháp. Tại cứ điểm Eliane (A1) trong một đường hầm ngầm dài 47m, công binh của Tướng Giáp đã đặt 1,5 tấn thuốc nổ TNT. Võ Nguyên Giáp nhận xét có nhiều vị trí chiếm đi chiếm lại, một số lần lượt do hai bên chiếm giữ trong các trận đánh giáp lá cà.
(Còn nữa)
Giáo sư sử học Xê-xin B.Cu-ry (Bản dịch của Nhóm biên dịch lịch sử)

Bình luận

ZALO