Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:06 GMT+7

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022: Tái thiết ngành du lịch sau đại dịch Covid-19

Biên phòng - Ngày 12/10, tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông và hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch”.

Quang cảnh Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022. Ảnh: Trúc Hà

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng sông Mê Kông, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS. Diễn đàn có 3 phiên thảo luận gồm: "Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững"; "Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững" và "Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh".

Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực tập trung thảo luận về chủ đề “Tái thiết ngành du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch”, suy nghĩ lại việc xây dựng lại ngành du lịch của GMS bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của Covid-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc. Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển…

Trúc Hà

Bình luận

ZALO