Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 07:43 GMT+7

Dìu nhau vượt qua gian khó

Biên phòng - Ai đã từng đến xã biên giới Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đều cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu nơi đây. Vùng đất này, mùa Đông kéo dài đến 7-8 tháng, mây mù mờ mịt, lạnh giá. Đất đai khô cằn, nguồn nước khan hiếm, khí hậu khắc nghiệt khiến đồng bào các dân tộc gặp vô vàn thử thách trong hành trình xóa đói giảm nghèo. Những người lính Biên phòng, như một lẽ thường tình, với trách nhiệm của mình đã luôn đồng hành với người dân vượt khó, cùng vẽ lên những mảng màu tươi sáng hơn trong công cuộc chinh phục khó khăn, xóa đói giảm nghèo.

Được sự tư vấn của cán bộ Biên phòng, anh Pó đã xây dựng chuồng trại kín để chống rét. Hiện, 4 con bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Bích Nguyên

Những ngày này, Bắc Bộ đã có nắng vàng rực rỡ, nhưng ở Xín Cái, sương mù vẫn giăng kín lối cả đêm lẫn ngày. Có thời điểm, sương dày tới mức chạm mặt nhau mới tỏ mặt người. Khí trời ẩm ướt, mưa phùn lắc rắc, lạnh đến thấu xương, là kiểu thời tiết đặc trưng riêng có của vùng biên này. Bởi, cách đó không xa, xã láng giềng Sơn Vĩ thời tiết dễ chịu hơn nhiều khiến cho nhiều người liên tưởng Xín Cái như một cô gái đỏng đảnh, làm mình, làm mẩy với cả nhân gian.

Có lẽ vì thế mà cho đến tận bây giờ, Xín Cái vẫn là một trong những xã nghèo khó nhất của huyện Mèo Vạc. Nhiều thôn, bản ở vùng biên này chưa có đường giao thông cứng hóa, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Hàng năm, Nhà nước vẫn phải cứu đói lúc giáp hạt. Nhưng cũng chính ở nơi này, đồng bào các dân tộc thiểu số đang nỗ lực khắc chế những bất lợi từ tự nhiên để từng bước vượt qua các chướng ngại vật trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no.

Chúng tôi tới thôn Sín Phìn Chư trong màn sương dày đặc, dù đã 9 giờ sáng. Người lính biên phòng dẫn đường cho chúng tôi bảo rằng, ở đây chỉ có khoảng 3-4 tháng trời thoáng đãng và có chút nắng, còn lại cứ mù mịt, đứng gần mới tỏ mặt nhau. Mỗi năm, người dân chỉ trồng ngô và một ít lúa nương một vụ. Trời lạnh giá, sương muối nhiều nên cây cối không phát triển được, năng suất thấp. Việc chăn nuôi cũng không thuận lợi. Dù bà con rất chịu khó làm ăn, vất vả sớm hôm, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn.

Từ đầu thôn, chúng tôi đã nghe tiếng người lao xao, nhưng phải đi tiếp một đoạn khá xa mới nhìn thấy 4 người dân đang đào xới đất, thu hoạch củ dong giềng ở mảnh vườn nhỏ. Sương mù bảng lảng, chúng tôi đi sâu vào thôn Sín Phìn Chư, thỉnh thoảng lại bắt gặp bóng người dân cày cuốc, gieo hạt ngô bắt đầu mùa vụ mới. Người cán bộ biên phòng tiếp tục câu chuyện còn dang dở: “Mong muốn giúp người dân bớt khó khăn luôn là niềm trăn trở của chúng tôi. Thế nhưng ở đây, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, để tìm được một mô hình sinh kế phù hợp không phải là dễ”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái thường xuyên tới động viên, hướng dẫn anh Pó phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, hiện, Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang đang tập trung giúp một số hộ dân thoát nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ cây, con giống để các hộ khác học tập. Một trong số đó là gia đình anh Già Mí Pó - thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình anh Pó chỉ có nương trồng ngô. “Mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ thôi. Đất xấu, ngô cho năng suất rất thấp, cả năm, gia đình tôi thu hoạch được 40 tải ngô, tẽ hạt xong còn được 10 tải, không khi nào đủ ăn” - anh Pó kể.

Trọn một buổi sáng ngồi nói chuyện với anh Pó mới thấy hành trình vươn lên thoát nghèo của gia đình người Mông này khá gian nan. “Ban đầu, các anh Biên phòng hỗ trợ chúng tôi 2 con lợn giống. Vợ chồng tôi chăm sóc nó rất kỹ để mong có chút vốn đầu tư tiếp. Vậy mà, khi nó vừa lớn thì dính dịch, chết cả hai” - anh Pó kể.

Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Pó, năm 2018, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, thông qua Đồn Biên phòng Xín Cái tiếp tục hỗ trợ gia đình anh 1 con bò giống. “Đến nay, bò mẹ đã đẻ được 3 con. Vợ chồng tôi làm chuồng trại kiên cố để tránh rét cho bò, đồng thời, chủ động mua cỏ ủ chua cho bò ăn trong những ngày mùa Đông giá rét. Nhờ đó, cả 4 con đều khỏe mạnh, phát triển tốt” - anh Pó chia sẻ.

Đàn bò khỏe mạnh, mở ra hy vọng mới cho cặp vợ chồng trẻ này. “Khi nào được giá, tôi sẽ bán bớt 2 con để mua thêm con giống mới. Mình cứ gây giống từ từ, dần dần tạo thành đàn lớn, lúc đó, tôi sẽ bán để góp thành nguồn vốn lớn. Có vốn rồi, đầu tư, phát triển kinh tế sẽ dễ hơn” - Anh Pó bộc bạch.

Không chỉ tặng con giống, năm 2018, những người lính biên phòng còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ anh Pó 30 triệu đồng làm nhà. Anh Pó kể: “Có tiền của bộ đội tặng, tôi vay thêm 50 triệu nữa là 80 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà hiện tại thay cho ngôi nhà cũ nát trước đây. Đến bây giờ, tôi đã trả hết nợ tiền làm nhà. Từ lúc BĐBP giúp đỡ, cuộc sống của gia đình tôi đỡ khó khăn hơn rất nhiều, tôi rất phấn khởi”.

Tiếp tục giúp đỡ gia đình anh Pó, năm 2022, Đồn Biên phòng Xín Cái hỗ trợ thêm hơn 200 gốc lê. Chia sẻ về việc này, Thiếu tá Nguyễn Văn Chủng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: “Ở đây, người dân chỉ trồng ngô được 1 vụ. Do thiếu nước tưới, nhiều khu đất trồng trọt bị bỏ hoang hoặc trồng cây tạp, không có giá trị kinh tế. Hướng đi của huyện là cải tạo vườn tạp, trồng tập trung cây có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi đã khảo sát và lựa chọn, hướng dẫn anh Pó trồng cây lê làm mô hình điểm. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra”.

Anh Pó kiểm tra vườn lê mới trồng, nhiều cây đã bói hoa. Ảnh: Bích Nguyên

Nói về chuyện trồng lê, anh Pó lạc quan cho biết: “Hiện tại, tôi đã trồng xong. Đây là giống lê địa phương, quả to và ngọt. Quan trọng nhất là giống lê này thích hợp với thời tiết, khí hậu ở đây nên sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 2 năm trồng, lê sẽ cho ra quả. Tôi dự định sẽ kết nối với thương lái để bán ở chợ huyện Mèo Vạc. Tôi tìm hiểu lê có giá khoảng 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Nếu mọi việc thuận lợi, ngoài đàn bò, vườn lê sẽ là sinh kế bền vững của gia đình tôi”.

Với sự giúp đỡ, động viên, hướng dẫn của BĐBP, anh Pó hiện nuôi thêm ngan và lợn để đa dạng sinh kế phát triển kinh tế gia đình. Anh chia sẻ: “Hiện, gia đình tôi là hộ cận nghèo. Tôi đang trồng rau để bán và làm chuồng nuôi gà. Tôi quyết tâm phát triển kinh tế để sang năm sẽ làm đơn xin thoát khỏi hộ cận nghèo. Tôi mong muốn mô hình của mình thành công để làm mẫu cho bà con trong thôn làm theo”.

Những bước tiến tích cực trong phát triển kinh tế gia đình của anh Pó ở một góc nhìn khác đã trở thành động lực để những người lính biên phòng tiếp tục giúp đỡ các hộ dân biên giới xóa đói, giảm nghèo thông qua các mô hình cải tạo vườn tạp, xóa nhà tạm, trao tặng cây, con giống cho bà con biên giới.

An Nhiên

Bình luận

ZALO