Biên phòng - Trải qua năm tháng, hai nước Việt Nam - Lào luôn kề vai sát cánh chống kẻ thù xâm lược. Trên vùng biên giới ghi dấu nhiều câu chuyện ấm áp nghĩa tình cùng những chiến công vang dội của quân dân hai nước. Đặc biệt, năm 1959, khi ra đời lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) - nay là BĐBP, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đã gắn bó với vận mệnh của Tổ quốc trên miền biên ải, hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc, thể hiện sinh động bằng những chiến công trên biên giới với sự ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào anh em.
Từ năm 1959 đến năm 1962, tình hình biên giới Việt Nam - Lào vô cùng căng thẳng với sự xuất hiện của bọn thám báo, biệt kích được Mỹ - ngụy đào tạo trên đất Lào rồi tung về đánh phá ta. Đồng thời, cuộc nội chiến ở Lào diễn ra hết sức quyết liệt, cán bộ và nhân dân Lào yêu nước bị bọn phản động phái hữu sát hại, truy đuổi. Các đồn Biên phòng và chính quyền các tỉnh vùng biên giới Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa tiếp nhận và giải quyết nơi ăn, ở cho hàng nghìn người Lào.
Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh CANDVT đã chỉ đạo CANDVT các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào gấp rút thành lập 22 đội công tác với tổng quân số 222 đồng chí sang làm nhiệm vụ trên đất bạn. Các đội công tác có nhiệm vụ vũ trang đánh địch bảo vệ vùng giải phóng của bạn và hành lang sát biên giới; vận động quần chúng xây dựng chính quyền; xây dựng lực lượng vũ trang giúp bạn, trong đó chủ yếu là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương, gọi tắt là “đội công tác ba mặt”.
Từ năm 1967 đến năm 1975, CANDVT đã tổ chức 96 tổ trinh sát gồm 215 trinh sát viên, 130 đội công tác cơ sở với 830 lượt cán bộ, chiến sĩ thường xuyên hoạt động trên đất bạn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các đội công tác phối hợp với bạn đã phát hiện hàng chục tổ chức nhen nhóm phản động, hàng chục đường dây gián điệp biệt kích xâm nhập qua biên giới; tiến hành 1.614 cuộc lùng sục truy quét địch; đánh 92 trận, tiêu diệt và bắt 407 tên, gọi đầu hàng 530 tên, thu nhiều vũ khí. Các đội công tác của ta cũng đã giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng 737 công an viên, huấn luyện 4.300 dân quân du kích về công tác tuần tra bảo vệ biên giới, xây dựng 194 tổ, đội đoàn kết sản xuất - chiến đấu.
Ngày 27/2/1973, Hiệp định lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giang sơn Việt Nam thu về một mối. Việt Nam và Lào cùng bước vào công cuộc tái thiết đất nước. Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước được ký kết. Một năm sau, hai nước bắt đầu tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa. Tham gia phân giới, cắm mốc trong hoàn cảnh lực lượng phải huy động quân số triển khai các đồn, trạm trên vùng mới giải phóng, không lâu sau đó lại trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, song CANDVT đã xác định công tác hoạch định biên giới phải gắn liền với việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Sau 6 năm lăn lộn trên những đỉnh cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, bằng sự quyết tâm và tinh thần tương trợ lẫn nhau, lực lượng phân giới, cắm mốc hai bên đã hoàn thành nhiệm vụ. Hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được hoàn thành với 202 mốc/2.067km đường biên giới.
Đến năm 1979, CANDVT chuyển đổi biên chế tổ chức và đổi tên thành BĐBP. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các hoạt động đối ngoại đã được BĐBP Việt Nam triển khai với sự đồng thuận của lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn, sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Trong công tác vận động quần chúng, BĐBP Việt Nam đã giúp bạn xây dựng và nâng cấp hạ tầng cơ sở, vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới, xây tặng nhà Hữu nghị, nhà văn hóa cộng đồng, điểm trường, trạm quân y...
Qua 7 năm ròng rã khảo sát thực địa, lực lượng chức năng hai nước đã hoàn thành công tác tôn tạo, tăng dày hệ thống cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Hơn 2.300km đường biên đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc, cọc dấu. Tháng 3/2016, hai nước đã ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền, mở ra thời kỳ hợp tác và phát triển toàn diện cho hai nước trong các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh biên giới, chống di cư tự do, săn bắt động vật hoang dã, phá rừng... Hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hoạt động hiệu quả, tạo đà cho Hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển, thúc đẩy giao lưu, hội nhập kinh tế toàn diện trong khu vực các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông.
Đại tá Bàn Văn Chanh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La cho biết, lực lượng vũ trang hai bên đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ để phối hợp tốt nhất, hiệu quả nhất trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống tội phạm. Còn Đại tá Voongthong Khathavongxa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn (Lào) chia sẻ: “Chúng tôi vừa phối hợp huấn luyện liên hợp, vừa học hỏi rút ra nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm qua biên giới. Tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước ngày càng gắn bó bền chặt hơn”.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, với 2.337km đường biên giới tiếp giáp với Lào, bắt đầu từ cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và kết thúc tại cột mốc ngã ba biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn và sự nỗ lực vươn lên xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình, biên giới Việt Nam - Lào đang ngày càng khởi sắc. BĐBP Việt Nam cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn đã phối hợp hết sức chặt chẽ, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của hai Đảng, hai Nhà nước về tăng cường hợp tác, xây dựng biên giới ổn định, phát triển toàn diện.
Trải qua năm tháng, được thử thách trong gian khó, tình hữu nghị Việt Nam - Lào ngày càng thêm sâu sắc, gắn bó. Biên giới là hữu hình, nhưng hai đất nước, hai dân tộc đã, đang tiếp tục chia sẻ ngọt bùi để tình nghĩa hai bên mãi mãi không chia cách mà tiếp tục gắn bó, đoàn kết xây dựng hai quốc gia ngày càng thịnh vượng, để hợp tác quân sự song phương nói chung, hợp tác biên phòng nói riêng luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Phương Liên