Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:29 GMT+7

Doanh nhân trước yêu cầu phát triển mới

Biên phòng - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Ảnh: minh họa

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân của Việt Nam đã đạt tới 10 triệu người. Đội ngũ doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; đóng góp gần 70% vào GDP quốc gia, 80% trong tổng thu ngân sách.

Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu... Đặc biệt, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đi đầu trong chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới như AI, chip bán dẫn, hydrogen, xanh, tuần hoàn... qua đó chủ động đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển lực lượng lao động Việt Nam hiện nay trong đó có đội ngũ doanh nhân ngang tầm với các trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại cần có giải pháp tổng thể.

Các chuyên gia kiến nghị, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nhân về tài chính và công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm thủ tục hành chính. Trong đó, đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ cao, phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong thời đại 4.0; khuyến khích các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nhân và các tổ chức, doanh nghiệp có thể hợp tác, chia sẻ nguồn lực và thông tin.

Các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần tích cực phát huy vai trò đại diện, cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động. Phát huy phản biện xã hội trong xây dựng chính sách, đồng thời, chú trọng tôn vinh, động viên và lan tỏa tinh thần doanh nhân tới cộng đồng; kiến nghị xử lý những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nhân Việt Nam.

Các bộ, ngành liên quan cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị dựa trên sản phẩm có lợi thế của Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tham gia sâu và làm chủ nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới; có trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế và hình ảnh doanh nhân Việt Nam.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO