Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 06:27 GMT+7

Độc đáo trang sức bằng bạc của người Dao đỏ

Biên phòng - Cộng đồng người Dao đỏ ở biên giới xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có nguồn gốc ở tỉnh Cao Bằng. Gần 30 năm họ sinh sống tại nơi đây, bên cạnh việc tạo lập sự nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, người Dao đỏ vẫn giữ được những nét đặc trưng của dân tộc, một lòng hướng về nguồn cội, đó là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ mang những nét riêng trong cách bài trí bố cục và bộ trang sức bằng bạc được đính kèm trên bộ trang phục truyền thống, tạo được nét độc đáo. Trang sức bạc được người phụ nữ Dao đỏ gìn giữ cẩn thận, đặc biệt, trang sức bằng bạc không chỉ là phụ kiện làm đẹp cho phụ nữ, mà nó còn có giá trị rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người Dao đỏ.

Bộ trang sức bằng bạc của phụ nữ Dao đỏ rất tinh xảo và có giá trị. Ảnh: Ái Vân

Đến xã Đắk Wil vào dịp lễ, tết sẽ được chiêm ngưỡng sắc màu độc đáo, riêng biệt của người phụ nữ Dao đỏ trong trang phục truyền thống dân tộc. Bộ trang phục sẽ trở nên độc đáo, lộng lẫy hơn nhờ bộ trang sức bằng bạc được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Nhờ bộ trang sức bằng bạc đã biến trang phục của phụ nữ dân tộc Dao đỏ thành tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, đẹp mắt.

Theo phong tục của người Dao đỏ, khi tổ chức lễ cưới, nhà chồng sẽ tặng cho cô dâu một bộ trang phục cưới truyền thống, kèm thêm bộ trang sức bằng bạc có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trên phần yếm, áo, mũ được trang trí bởi hàng trăm đồng xu, quả chuông nhỏ, cúc vuông, cúc tròn, ngôi sao, dây chuyền... đều bằng bạc. Bộ trang sức bạc này gồm vòng cổ, vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây chuyền (xà tích) được chạm khắc tinh xảo như hình rồng phượng, chim muông, hoa lá, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày... Trang sức bạc và hoạ tiết bạc đính trên áo là linh hồn của bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ.

"Những lễ vật này được xem như quà tặng, là vật chứng tình yêu giữa người đàn ông Dao đỏ với người phụ nữ mà họ yêu thương, kết duyên vợ chồng, bởi vậy, có ý nghĩa đặc biệt cả người cho và người nhận, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bộ trang phục ngày cưới mình sẽ giữ gìn đến hết cuộc đời, còn bộ trang sức bạc thì mình giữ gìn để truyền lại cho con dâu, cho cháu của mình sau này" - chị Sào Mùi Chài, xã Đắk Wil chia sẻ.

Đễ giữ gìn bộ trang sức bằng bạc, phụ nữ Dao đỏ lấy giấy báo bọc kín, không được để vào túi bóng, nếu không, bạc sẽ bị đen. Còn trang phục thì cất vào va li, hoặc treo lên, nếu không, vải sẽ bị mốc hoặc cũ đi, thỉnh thoảng mang ra nắng để phơi. Hầu hết gia đình người Dao đỏ đều giữ gìn các bộ trang sức bằng bạc có giá trị từ thời ông bà, tổ tiên để lại. Theo người Dao đỏ, nhà giàu là phải có nhiều bạc, vì vậy, họ luôn lao động chăm chỉ, kiếm tiền để mua bạc cất giữ khi cần dùng đến. Gia đình nào không có thì họ tìm mua hoặc trao đổi với các gia đình khác trong bản, vì thế, bạc trở thành vật gắn kết dòng tộc, xóm giềng với nhau.

Gia đình anh Bàn Thanh Minh, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết, xã Đắk Wil đã cẩn thận cất giữ những bộ trang sức bằng bạc với cả sự trân trọng. Khối tài sản này được gia đình anh gìn giữ qua nhiều thế hệ, nó có ý nghĩa rất thiêng liêng, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của gia đình. Bộ trang sức bạc như vật gắn kết những thành viên trong gia đình, cùng nhớ về cội nguồn, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Anh Bàn Thanh Minh cho biết: "Bạc của các cụ ngày xưa để lại đều là bạc nguyên chất, dùng được một thời gian màu bạc đen lại, mình lại mang đi rửa để bạc sáng lại".

Mũ của trẻ sơ sinh cũng được đính những quả chuông bạc hay những đồng tiền bạc quanh mũ. Ảnh: Ái Vân

Theo lời kể của các cụ cao niên, từ xa xưa, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người Dao đỏ đã gắn liền với bạc trắng. Lúc đứa trẻ mới sinh ra đã được đội chiếc mũ sơ sinh có đính những cái chuông nhỏ bằng bạc. Khi tiếng chuông bạc ngân lên, âm thanh đầu tiên lọt vào tai của đứa bé là tiếng của dòng họ, khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của cuộc sống thì đều gắn liền với bạc trắng. Các gia đình người Dao đỏ đều cất giữ bạc để cưới vợ, gả chồng, có bạc để phòng khi già yếu, đau ốm hay khi mất đi có một đồng bạc để ngậm. Họ quan niệm, có như vậy mới được về với tổ tiên, mới nói được những lời hay, phù hộ cho con cháu những điều may mắn, tốt đẹp. Cũng bởi vậy, thế hệ người Dao đỏ đều có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, không để bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một đi.

Bà Triệu Mùi Viện, xã Đắk Wil cho biết: "Trang sức bạc được xem như vật bất ly thân của phụ nữ Dao đỏ. Bạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ làm đẹp thêm cho trang phục truyền thống, mà còn thể hiện sự giàu có, ấm no, mang lại sự may mắn, tài lộc. Người nào có nhiều bạc thì càng được tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Những bộ trang phục quý giá được gắn nhiều bạc muốn chứng tỏ sự giàu sang, phú quý với mọi người".

Bằng sự khéo léo, phụ nữ dân tộc Dao đỏ đã tự tay làm nên những bộ trang phục truyền thống, cầu kỳ đến từng đường kim, mũi chỉ. Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ có 3 màu gồm đỏ, đen, trắng là chủ đạo, các màu có độ tương phản, nhưng khi được phụ nữ Dao khéo léo chắp ghép, thêu hoa văn, tạo nên tổng thể hài hòa, vô cùng nổi bật. Trang phục của người Dao đỏ mang những nét riêng trong cách tạo bố cục, không chỉ thể hiện nếp sống, sinh hoạt hàng ngày, bộ trang phục truyền thống còn thể hiện đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Dao đỏ. Trang phục truyền thống và bộ trang sức bằng bạc được phụ nữ Dao đỏ mặc vào những dịp lễ, tết, đám cưới hay lễ cấp sắc của người Dao.

Trên nền bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của người phụ nữ Dao đỏ, bộ trang sức bằng bạc càng trở nên lộng lẫy hơn, những hoa văn trên bạc như: hình quả trám, chiếc yếm, con cá, mái chèo, cây cau và cả những hoa văn mô tả những hình ảnh gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người Dao đỏ. Nhưng tại sao những hoa văn lại xuất hiện trong trang phục của người Dao đỏ, thì họ cũng không giải thích được, họ chỉ biết từ thuở cha ông sinh ra đã thấy như vậy, về sau phải giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống ấy của dân tộc. Đây là nét riêng trong thẩm mỹ của người Dao đỏ, cũng là nét đẹp tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, trên thị trường có nhiều trang sức có giá trị như vàng, đá quý với nhiều mẫu mã đẹp mắt, với dân tộc Dao đỏ, trang sức bạc vẫn còn nguyên giá trị, không thể thiếu trong đời sống của họ. Chị Hoàng Thị Phẩy, xã Đắk Wil tâm sự: "Nhà mình có 2 bộ trang sức bạc, mẹ mình một bộ, mình có một bộ từ khi lấy chồng, nhà chồng cho, mình cất giữ hơn mười mấy năm rồi. Khi mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc, đeo bộ trang sức bạc lên người, mình thấy rất vui, rất tự hào".

Bộ trang phục truyền thống và trang sức bằng bạc của người Dao đỏ không chỉ là trang sức điểm tô cho người phụ nữ thêm phần xinh đẹp, rạng rỡ, mà nó còn là câu chuyện văn hóa, là bản sắc riêng biệt của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Đắk Nông.

Ái Vân

Bình luận

ZALO