Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 05:17 GMT+7

Đổi mới tư duy để làm giàu ở bản Sàng Giang

Biên phòng - Người dân ở bản Sàng Giang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đều nể trọng, khâm phục ông Tẩn Vần Hoa bởi tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Ông là người đi tiên phong trong việc đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về với bản Sàng Giang như cây sa nhân, cây chanh leo. Nhờ những thử nghiệm mới cho hiệu quả cao mà kinh tế gia đình ông luôn vững vàng.

Ông Tẩn Vần Hoa (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra vườn sa nhân của gia đình. Ảnh: Nguyễn Bích

Ông Tẩn Vần Hoa là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bản Lang. Trên cương vị của mình, ông là hạt nhân đoàn kết đồng bào các dân tộc trong xã tham gia thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự. Ông luôn động viên người dân trong xã thực hiện các mô hình phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Với tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, ông Tẩn Vần Hoa luôn mày mò, học hỏi để đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về địa phương thay thế các loại cây truyền thống có giá trị thấp như ngô, lúa. Sinh sống ở bản Sàng Giang, ông Tẩn Vần Hoa trước hết vận động người dân trong bản thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để bà con có niềm tin và ý chí quyết tâm làm giàu, bản thân ông gương mẫu làm trước.

Xin giới thiệu một vài nét khái quát về bản Sàng Giang để mọi người dễ hình dung hơn về những đóng góp của ông Tần Vần Hoa. Bản Sàng Giang có 111 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Dao. Bà con nơi đây vốn quen canh tác cây lúa, cây ngô. Kinh tế của các hộ dân có sự bứt phá bắt đầu từ năm 2017, khi xác định cây chuối là cây chủ lực. Diện tích trồng chuối được người Dao ở Sàng Giang mở rộng lên tới 200ha. Gia đình ông Hoa cũng trồng hơn 2ha chuối. Tuy nhiên, không để kinh tế phụ thuộc vào một loại cây nhất định, ông Hoa phát triển kinh tế gia đình theo hướng xây dựng gia trại, đa dạng mô hình sinh kế.

Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn, chuối, ông Hoa đào ao thả cả, trồng sa nhân, chanh leo, gỗ lát, nuôi trâu sinh sản. Mấy năm gần đây, giá chuối có chiều hướng giảm nhưng kinh tế gia đình ông Hoa vẫn phát triển nhờ đa dạng sinh kế. Đời sống gia đình ông tốt lên rất nhiều, thu nhập mỗi năm khoảng 200-300 triệu đồng.

Ông Hoa cho biết, người dân trong bản còn nhiều hạn chế trong cập nhật thông tin nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà vẫn canh tác cây, con truyền thống. Bản thân ông có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin nên đã mạnh dạn ứng dụng vào cuộc sống. Ông là một trong những người đầu tiên đào ao nuôi cá ở bản Sàng Giang. Cùng với đó, ông đưa cây sa nhân về với đồng bào Dao ở Sàng Giang. Đây được coi là một bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Sàng Giang.

Ông Hoa nhận thấy trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa và ngô. Tham khảo kỹ lưỡng các tài liệu, ông Hoa phát hiện đất đai và khí hậu của quê hương mình hoàn toàn phù hợp với cây sa nhân, vậy là năm 2018, ông quyết định thử sức với loại cây này. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 3ha sa nhân. “Năm 2020, vườn sa nhân trồng đầu tiên bắt đầu bói quả. Năm 2021, tôi thu lứa đầu tiên. Năm 2022, giá sa nhân là 50.000 đồng/kg. Năm nay, giá thu mua tăng lên 80.000 đồng/kg, bà con ai cũng phấn khởi” - ông Hoa cho biết.

Ông Hoa làm phép so sánh để thấy rõ hơn giá trị kinh tế của cây sa nhân: “Thu nhập từ sa nhân cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa, tùy theo giá cả từng thời điểm. 1ha sa nhân cho thu khoảng 1 tấn đến 1,5 tấn quả, với giá bán hiện tại, 1ha sa nhân cho thu nhập khoảng 120-150 triệu đồng. Trong khi 1ha lúa cho thu khoảng 5 tấn, giá trị khoảng 40 triệu đồng”. Nhằm lan tỏa cây sa nhân tới bà con, ông Hoa đã học hỏi và tự nhân giống cây sa nhân để cung cấp cho bà con. Đến nay, bản Sàng Giang đã trồng được khoảng hơn 30ha sa nhân.

Ông Tẩn Vần Hoa (bên phải) hướng dẫn người dân bản Sàng Giang kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Nguyễn Bích

Anh Tẩn Văn Thanh, người dân bản Sàng Giang cho biết: “Ông Hoa là người đầu tiên trong bản trồng sa nhân. Sau khi trồng thành công, ông Hoa đã cung cấp cây giống và hướng dẫn bà con trong bản trồng loại cây này để có thêm thu nhập. Từ kinh nghiệm của ông chia sẻ, tôi đã trồng 4.000m2 sa nhân. Tôi rất phấn khởi vì gia đình có thêm nguồn thu nhập. Năm nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo”.

Ông Hoa cũng là người đầu tiên ở Sàng Giang trồng cây chanh leo. Ông Hoa cho hay: “Ưu điểm của loại cây này là chỉ trong 5-6 tháng có thể cho thu hoạch. Một cây chanh leo 1 năm có thể cho thu hoạch 20-30kg quả. Tôi không quá lo lắng về đầu ra vì đã có công ty thu mua. Vụ đầu tiên tôi thu được gần 8 tấn quả, bán được 7 triệu đồng/tấn. Vụ này tôi ước tính thu được khoảng 20 tấn quả”. Một số hộ dân ở Sàng Giang đã học theo ông Hoa trồng chanh leo. Ông Hoa hy vọng trong thời gian tới, trong cơ cấu cây trồng của bản Sàng Giang, ngoài cây dong riềng, khoai sọ, chuối, sa nhân, thì cây chanh leo sẽ có một vị trí tương xứng.

Là người cần cù, chịu khó, ông Hoa còn tận dụng đất bỏ hoang để trồng cây gỗ lát. Có thể nói, với tư duy dám làm, dám đổi mới, ông Hoa đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao và là hình mẫu để người dân trong bản học theo không chỉ để đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mà còn hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO