Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 11:47 GMT+7

Đối ngoại Biên phòng góp phần bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển

Biên phòng - Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại Biên phòng đã khẳng định đối ngoại Biên phòng đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn (Việt Nam) và Trạm Kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh Hữu Nghị Quan, Tổng Trạm kiểm tra Biên phòng xuất nhập cảnh Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết Biên bản tăng cường giao lưu công tác chính trị năm 2023. Ảnh: Duy Thái

Có thể nhận thấy, thời gian qua, công tác đối ngoại Biên phòng đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. BĐBP đã làm tốt công tác phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng tổ chức tuần tra song phương được hàng trăm lần với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các loại tội phạm, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống dịch và giải quyết tốt vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực hai bên biên giới... BĐBP đã tham mưu và tổ chức tốt các hoạt động, chương trình giao lưu, kết nghĩa hai bên biên giới, như: “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia”...; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.

Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bên biên giới, củng cố mối quan hệ thân tộc, tình nghĩa hàng xóm và tạo thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của nhân dân hai bên biên giới. Nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc gia, quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định, quy chế biên giới của nhân dân các dân tộc sống hai bên biên giới đã được nâng lên rõ rệt.

Nhân dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng nhau giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng Hiệp định, Quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước. góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, qua đó, cùng phối hợp bảo vệ nguyên trạng đường biên, hệ thống mốc quốc giới; trao đổi thông tin, tình hình và phối hợp tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, BĐBP đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng tổ chức kết nghĩa giữa các đồn Biên phòng Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn. Hoạt động này đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa BĐBP với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vì mục đích xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.

Từ những kết quả công tác đối ngoại Biên phòng góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Một là, công tác đối ngoại Biên phòng phải quán triệt và thực hiện đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, cùng phát triển, vì lợi ích của Việt Nam và các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động đối ngoại Biên phòng góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải được tiến hành trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, vừa tuân thủ các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế và hoạt động ngoại giao; góp phần củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng; làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước kịp thời xử lý khôn khéo, tế nhị và thận trọng những tình huống đối ngoại mới xuất hiện hoặc những vấn đề nhạy cảm, phức tạp; thường xuyên nắm vững tư tưởng chỉ đạo về công tác đối ngoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hai là, công tác đối ngoại Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải được thực hiện trong tổng thể của một chiến lược chung, đó là chiến lược bảo vệ Tổ quốc được Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX và XII) xác định. Công tác đối ngoại Biên phòng phải góp phần bảo đảm mục tiêu xuyên suốt là phát huy được nội lực, tăng cường sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ được sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh của dân tộc, phát huy sức mạnh của lực lượng và thế trận đối ngoại - quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng thời kỳ mới được cụ thể hóa trong chính sách quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, với phương châm “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ba là, công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP phải dựa trên cơ sở luật pháp và các Điều ước quốc tế, các Hiệp định, Hiệp nghị, Quy chế biên giới mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ký kết với các nước có chung đường biên giới, vùng biển và hệ thống pháp luật quản lý Nhà nước về biên giới tạo thành một hành lang pháp lý để tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới.

Bốn là, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP phải dựa trên nền tảng sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, cùng với các chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó, BĐBP đóng vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn biên giới.

BĐBP phải luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân, để mọi người nhận thức sâu sắc rằng: chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân. Các địa phương luôn xác định phải tự bảo vệ mình, từ mỗi làng, xã, thôn, bản. Tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương, BĐBP tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trên cơ sở xây dựng các khu vực phòng thủ, có thể điều chỉnh lại dân cư, đưa dân ra định cư ở tuyến biên giới, hải đảo, hoặc tổ chức lực lượng dân quân cơ động trên biên giới, do địa phương bảo đảm, hoặc tổ chức các tổ, đội, tập đoàn đánh bắt cá trên biển, phối hợp với các lực lượng khác quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.

Năm là, tăng cường các hoạt động giao lưu giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước nhằm chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng được những cơ hội trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền; trong phát triển kinh tế và hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng nhằm ngăn ngừa các nguy cơ gây mất ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hoạt động giao lưu của BĐBP phải thể hiện được sự chủ động cả trong nhận thức, xây dựng quan điểm, mục tiêu và hoạch định chủ trương kế hoạch đối ngoại, đặc biệt cần nhấn mạnh đến tính hiệu quả thực chất, thúc đẩy được mối quan hệ, xây dựng lòng tin trong xử lý các vấn đề nảy sinh trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Thượng tá Nguyễn Đình Thơ, Bộ Tham mưu BĐBP

Bình luận

ZALO