Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 04:20 GMT+7

Đối ngoại Việt Nam: Phát huy bản sắc, nâng tầm vị thế đất nước

Biên phòng - Phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre”, các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương và đa phương trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp đã thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên phải) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước khi hội đàm nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc sang thăm cấp Nhà nước Việt Nam, tháng 12/2023. Ảnh: VGP

Củng cố quan hệ song phương với các nước lớn, đối tác chiến lược

Có thể nói, năm 2023, quan hệ đối ngoại của đất nước trên bình diện song phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn với 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.

Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam nâng cấp quan hệ với 2 đối tác lớn lên Đối tác chiến lược toàn diện là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 3 trong 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ) và 3 nước khác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, duy trì và phát triển mối quan hệ với tất cả các nước lớn và đối tác chủ chốt khác, thể hiện ngày càng rõ chính sách ngoại giao đa phương, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết, bền bỉ và nhất quán.

Những kết quả nói trên có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre”, linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, xử lý các vấn đề đối ngoại theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ đó, có các biện pháp triển khai phù hợp, tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại.

Thông điệp quan trọng, đóng góp thực chất

Từ khu vực đến toàn cầu, Việt Nam tích cực đóng góp bằng những nỗ lực cụ thể, nêu bật sáng kiến bằng thông điệp lớn tại các cơ chế đa phương. Đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tới Nhật Bản, tháng 11/2023. Ảnh: TTXVN

Tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương, Việt Nam là “mắt xích” quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và thế giới, tích cực mang nhiều sáng kiến và thông điệp quan trọng đến các hội nghị toàn cầu về tăng trưởng kinh tế, ứng phó thách thức. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023-2027), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Di sản phi vật thể (2022-2026)… Trong quá trình đảm nhiệm, triển khai các trọng trách đó, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột: Hòa bình, an ninh, phát triển và quyền con người.

Cùng với đó, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua.

Công tác đối ngoại nói chung và hoạt động ngoại giao nói riêng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ Tổ quốc, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cũng như củng cố vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Những dấu ấn đối ngoại năm qua tiếp tục là minh chứng rõ nét trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: "Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", mềm mại nhưng rất kiên cường. Từ đó, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, tin cậy và trách nhiệm.

Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.

Dương Thùy

Bình luận

ZALO