Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 08:08 GMT+7

Đổi thay vùng đất giáp biên

Biên phòng - Đường biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài trên 180km, qua địa bàn 26 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai. Theo chiều từ Tây sang Đông thì xã Y Tý, huyện Bát Xát là địa phương đầu tiên của tỉnh Lào Cai có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Cột cờ Tổ quốc tung bay trong gió ở Lũng Pô, xã A Mú Sung. Ảnh: Ái Vân

Thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát nằm dọc biên giới có chiều dài hơn 10km, có 85 hộ dân, 2 dân tộc cùng sinh sống là Mông và Dao, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, ở thôn Lũng Pô có 37 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo.

Là một những người đầu tiên đưa cây chuối về trồng thay thế cây ngô, cây sắn cho các hộ dân nơi đây, cách đây 5 năm, ông Ly Seo Phảng cũng đưa cây xoài về với vùng đất Lũng Pô. Ông đã vận động bà con trồng cây xoài tập trung. Đặc biệt, bà con trong thôn thấy ông Phảng trồng xoài bán có giá trị kinh tế cao hơn những loại cây trồng khác nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng xoài. Đến nay, diện tích xoài ở thôn Lũng Pô tăng lên 20ha, mở ra cho bà con hướng phát triển kinh tế mới.

Từ chỗ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, đến nay, Lũng Pô trở thành địa bàn không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo, không có trường hợp nào xuất, nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, người dân tích cực tham gia tuần tra biên giới, phát quang đường biên, cung cấp cho Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai nhiều thông tin có giá trị.

Anh Tẩn Sành Phú, Trưởng thôn Lũng Pô chia sẻ, những năm qua, được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung, thôn Lũng Pô đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế. Bà con trong thôn hỗ trợ nhau về cây giống, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất, hình thành vùng cây ăn quả (xoài, mít, cam) cho thu nhập ổn định, giúp người dân từng bước thoát nghèo, yên tâm định cư trên mảnh đất biên cương.

Thiếu tá Trần Minh Long, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết, trong 5 thôn biên giới của xã A Mú Sung và xã Nậm Chạc thì bà con ở thôn Lũng Pô là điển hình trong việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cũng như tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Những việc làm của bà con ở thôn Lũng Pô là minh chứng cho việc phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Nói về phát triển kinh tế - xã hội ở thôn Lũng Pô, ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con mở rộng diện tích trồng xoài đến những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai tương đồng như ở Lũng Pô để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa của xã trong thời gian tới. Đồng thời, địa phương sẽ kiến nghị lên cấp trên cung cấp mã vùng trồng cũng như mã sản phẩm nông nghiệp của xã để cho bà con thuận tiện trong quá trình tiêu thụ, xuất khẩu, yên tâm sản xuất.

Mùa rau trái vụ của gia đình anh Tráng A Lử, thôn Trung Chải, xã Y Tý. Ảnh: Ái Vân

Còn ở thôn Trung Chải, xã Y Tý, nơi mà hơn 10 năm về trước, có những điều tưởng như không thể thực hiện được, nhưng hôm nay, mọi thứ đã thay đổi. Thôn Trung Chải trở thành địa điểm du lịch mới đầy tiềm năng của huyện Bát Xát. Nắm bắt được cơ hội này, chàng trai trẻ Tráng A Lử, Trưởng thôn Trung Chải đã mạnh dạn chuyển đổi 2,6ha đất nương, đầu tư thành vùng rau trồng trái vụ. Từ nguồn thu nhập này, anh Lử thu nhập được khoảng 200 triệu đồng/năm.

Năm 2021, thôn Trung Chải chỉ có 3 hộ dân trồng rau thì năm 2022 đã có thêm 7 hộ, nâng diện tích trồng rau trái vụ thêm 7ha. Điều quan trọng là trong năm đó, có 3 hộ trồng rau đã thoát nghèo. Lợi ích nhìn thấy rõ ràng nên vụ rau của năm vừa qua, diện tích trồng rau ở Trung Chải tăng gấp đôi và sẽ không dừng lại vì lượng khách du lịch đến Y Tý ngày càng nhiều. Tráng A Lử cho biết, anh sẽ vận động bà con trồng rau trái vụ để cho Trung Chải trở thành vùng trồng rau hàng hóa. Bà con chỉ tập trung vào trồng rau mỗi năm 2 vụ, vừa có thu nhập, vừa có việc làm, không phải vất vả đi làm kiếm tiền nữa.

Những tấm gương phát triển kinh tế giỏi của bà con lan tỏa ra cộng đồng ngày càng nhiều trên dọc dải biên giới Lào Cai. Ngay cả vùng đất khô khát Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương - nơi được mệnh danh là "Trường Sa cạn" cũng có những điển hình về trồng trọt, chăn nuôi. Đó là anh Lu Dỉn Thắng ở thôn Pạc Tà, với việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, năm nào anh cũng thu hơn 100 triệu đồng từ việc nuôi lợn nái, lợn thịt bản địa. Hay anh Hạ Seo Dơ giàu lên nhờ chăn nuôi đại gia súc. Còn chị Lù Thị Lan phát triển trồng 1ha chè, tháng nào cũng thu được 1 tạ chè búp, bán ra thị trường với giá 9.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khá cho gia đình. Ngoài ra, chị còn có 1ha đất trồng cây quế, thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

Biên giới bình yên và ngày càng phát triển, thành quả này không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng của lực lượng Biên phòng. Các anh đã cụ thể hóa lời Bác Hồ dạy bằng cả trái tim, coi “biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai đã không nề hà gian khó, đầu tư vật lực, nhân lực giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới...

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: Đối với 26 xã, phường, thị trấn biên giới thì việc nhân rộng các điển hình tiên tiến có ý nghĩa quan trọng, nhất là những tấm gương trong tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới hay tham gia vào công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên.

Ái Vân

Bình luận

ZALO