Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:25 GMT+7

Đối thoại Shangri-La: Đề cao tạo dựng lòng tin

Biên phòng - Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 vừa diễn ra ở Singapore đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc tạo dựng lòng tin trong vấn đề Biển Đông là một chủ đề nổi bật.

Quang cảnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Ảnh: Bộ Quốc phòng

“Cửa ngõ” dẫn đến những giải pháp

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 diễn ra tại khách sạn Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần trước đã thu hút khoảng 550 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới cùng thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt.

Đối thoại Shangri-La là hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, nơi lãnh đạo quốc phòng các nước tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia vào các cuộc đàm phán song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Đối thoại được tổ chức thường niên, ngoại trừ năm 2020 và 2021 không được tổ chức do những hạn chế của đại dịch Covid-19.

Hơn 20 năm trước, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á bắt đầu bằng cuộc họp thường niên của hàng chục bộ trưởng quốc phòng tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Hơn 20 năm sau, các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia an ninh từ khắp châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và xa hơn nữa, đã đến Shangri-La để thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách của khu vực.

Trong lần thứ 21 tổ chức, Đối thoại Shangri-La cho thấy ưu điểm khi đi thẳng vào điểm nóng trọng tâm của khu vực. Năm ngoái, các đại biểu còn thảo luận về nội dung chung chung là giải quyết căng thẳng khu vực. Năm nay, nội dung nêu thẳng vào vấn đề Myanmar, tìm cơ hội ngoại giao trong bối cảnh quan điểm khác nhau về giải pháp hòa bình cho điểm nóng này. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề Myanmar không chỉ cho nước này, mà còn được xác định là quan trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực.

Nhà báo Leong Wai Kit của Kênh CNA (Singapore) nhận định, việc nêu bật vấn đề Myanmar cũng như vấn đề Biển Đông thông qua vai trò của Philippines chứng tỏ đây là những vấn đề thực tế cần giải quyết và Đối thoại Shangri-La là cơ hội để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thể hiện tiếng nói thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Một điểm nhấn quan trọng khác tại đối thoại là vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, cũng như cuộc gặp song phương Mỹ - Trung. Về vai trò của Mỹ, các đối tác chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được nhấn mạnh và đưa ra thảo luận, từ đó làm tiền đề cho các nội dung thảo luận khác về hợp tác an ninh và quản lý khủng hoảng.

Bình luận về sự kiện, giới chuyên gia cho biết, bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay hiện hữu những vấn đề an ninh quan trọng, như: Bất ổn an ninh châu Âu, xung đột ở Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung phức tạp, tranh chấp ở Biển Đông và nhiều vấn đề quốc phòng, an ninh phi truyền thống khác. Vì vậy, Đối thoại Shangri-La là một nền tảng có tầm quan trọng địa chính trị. Sự thực chất và hiệu quả được nâng cao trong kết quả của diễn đàn này được kỳ vọng trở thành một “cửa ngõ” có thể dẫn đến các giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tạo dựng lòng tin trong vấn đề Biển Đông

Một nội dung quan trọng hàng đầu trong đối thoại là vấn đề Biển Đông. Trong suốt bài phát biểu của mình, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. liên tục nhắc đến từ “Biển Đông”. Ông Marcos nhấn mạnh cam kết đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của tuyến đường thủy trên Biển Đông đối với thương mại toàn cầu.

Tàu thuyền của ngư dân vươn khơi trên vùng biển tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Trúc

Tổng thống Philippines khẳng định, nước này cùng các quốc gia Đông Nam Á khác có tầm nhìn về hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông. Đồng thời, ông Marcos cho biết, Biển Đông là nơi mà khối lượng thương mại khổng lồ của thế giới được vận chuyển qua, nên vấn đề Biển Đông là vấn đề của toàn cầu. Ngoài ra, ông Marcos cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây bất ổn ở Đông Nam Á. Vì vậy, ông Marcos kêu gọi Trung Quốc và Mỹ nỗ lực hơn nữa để giải quyết mâu thuẫn. Sự ổn định của khu vực đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ quản lý mối quan hệ cạnh tranh của hai nước một cách có trách nhiệm.

Trong đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cho biết, quan điểm của Trung Quốc là chỉ có một trật tự ở Biển Đông, đó là trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội các nước vì sự hợp tác và phát triển hòa bình. "Chúng ta cần xây dựng một khuôn khổ mở rộng và minh bạch cho hợp tác khu vực, dựa trên sự bình đẳng và không bị can thiệp" - ông Đổng Quân nói.

Bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã có cuộc hội đàm trực tiếp trao đổi về những lập trường xung quanh tình hình Biển Đông. Theo Lầu Năm Góc (Mỹ), ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông. Về phần mình, ông Quân quan ngại việc hiện diện quân sự tại khu vực sẽ gây ra căng thẳng.

Theo truyền thông quốc tế, đây là lần đầu tiên hai Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc và Mỹ gặp mặt trực tiếp trong vòng 18 tháng qua. Cuộc gặp này là bước tiến quan trọng trong việc mở ra các đường dây liên lạc giữa hai nước.

Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Singapore Eugene Tan cho rằng, cuộc đối thoại Trung Quốc - Mỹ tại Đối thoại Shangri-La sẽ không giúp tạo ra những đột phá lớn, nhưng là dịp để hai bên đặt những bước tiến quan trọng trong việc “hạ nhiệt” căng thẳng song phương. “Đối thoại Shangri-La mang lại cơ hội cho những bước tiến nhỏ trong việc xây dựng lòng tin và sự tin cậy" - ông Tan nói.

Trong khuôn khổ đối thoại năm nay, Nhật Bản và Australia đều đưa ra những lập trường quan trọng đối với vấn đề Biển Đông. Hai cường quốc này đều khẳng định sẽ tích cực đẩy mạnh hợp tác có hiệu lực thực chất đối với các quốc gia tại khu vực, có cách tiếp cận thận trọng, tìm cách cân bằng, nêu cao tinh thần đối thoại, giải quyết các vấn đề bất cập theo quy định luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO