Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 11:31 GMT+7

“Đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Biên phòng - Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung sức đồng lòng quyết tâm của người dân, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) ở tỉnh An Giang ngày càng đem lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS được nâng cao. 

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, quân dân vùng biên huyện Tri Tôn chung tay xây dựng đường bê tông ấp Sóc Tức, xã Lê Trì (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) góp phần phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân. Ảnh: Lan Anh

Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đến các làng Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) hôm nay dễ dàng nhận thấy có nhiều công trình mới đã mọc lên, cả xã như được khoác lên mình tấm áo mới. Từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719 đã tạo “sức bật”, làm đổi thay rõ rệt ở từng làng Chăm.

Anh Mohamah Sa Lếh, Trưởng ấp Phũm Xoài cho biết: Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm, thì nay trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ du lịch, được du khách ưa chuộng.

“Giờ đây, làng Chăm Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) không còn hộ nghèo, 100% số trẻ em được đến trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Ở bậc đại học, chỉ riêng Phũm Xoài đã có 44 sinh viên, có người đang theo học bậc thạc sĩ... Bà con giờ đây không những đã đủ ăn, có của ăn, của để, mà đã đầu tư tri thức cho thế hệ trẻ để thoát nghèo, phát triển lâu dài, bền vững. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho cộng đồng người Chăm làng kiểu mẫu nơi đây” – anh Sa Lếh vui vẻ nói.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân đã làm cho diện mạo xã Châu Phong có nhiều đổi thay tích cực. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, bà Võ Thụy Ý Như chia sẻ: Đến nay, xã Châu Phong đã được công nhận xã nông thôn mới, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt… Từ khi đường xá thuận tiện, hàng hóa thông thương, đồng bào Chăm bắt đầu mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thương mua bán nhộn nhịp hơn... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

“Trước đây, đời sống của bà con hết sức khó khăn, đến nay các hộ nghèo giảm xuống còn gần 3%, thu nhập của người dân đạt 51,45 triệu đồng/năm, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%, hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định đạt trên 99%, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...” – bà Ý Như nói.

Bên cạnh đó, An Giang thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, xã hội, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Gia đình chị Neáng Sil Cheang ở ấp Tô Trung, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) có 6 nhân khẩu, trong đó chồng chị là lao động chính với việc đi làm thuê, còn chị trước đây cũng mở quán nhỏ trước nhà chiên bánh cống, bánh xèo bán cho khách, nhưng vì thiếu vốn nên việc làm ăn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2023, được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 1719 để mua bàn, ghế phục vụ khách. Chị Cheang phấn khởi cho biết: “Được vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tôi mừng lắm! Giờ có điều kiện buôn bán, tôi sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế, vừa làm thuê nhằm tăng thu nhập cho gia đình, từng bước ổn định cuộc sống”.

Tất cả trẻ em đồng bào Chăm ở làng Chăm Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) đều được đi học. Ảnh: Lan Anh

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú cho biết: Trong năm 2022 và năm 2023 nguồn vốn được phân bổ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 là gần 176,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, An Giang thực hiện nâng cấp 17 công trình, bảo dưỡng 15 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng).

“Thời gian qua, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được cải thiện đáng kể, hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn. Đến nay, An Giang có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới, gần 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động…” ông Phú nói.

Ông Chau Nhel, ấp Pô Thi xã An Cư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ – CP Chính phủ, ông đầu tư trồng các loại cây màu giúp ông có thu nhập ổn định. Ảnh: Lan Anh

“Đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang triển khai với 7 dự án và 11 tiểu dự án, với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 827 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 733 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, theo Kế hoạch tổng thể Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang, hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp đặc biệt khó khăn là 59 công trình; xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 3 xã; ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 5 ấp.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở An Giang. Đây là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo vùng đông đồng bào DTTS.

Lan Anh

Bình luận

ZALO