Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 03:21 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long quyết liệt ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Biên phòng - Hiện nay, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến phức tạp. Nước mặn đã đi sâu vào các kênh rạch; nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn, mặn.

Các cống ngăn mặn nhiều địa phương vùng ĐBSCL được đóng chặt để tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Ảnh: Phương Nghi

Chủ động ứng phó hạn, mặn

Từ đầu năm đến nay, khu vực Nam Bộ xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài; trong đó, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã và đang đối diện với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ ngày 8 - 13/4, từ ngày 22 - 28/4 và từ ngày 7 - 11/5, cụ thể: chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70 - 95km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50 - 62km; sông Hàm Luông từ 60 - 68km; sông Cổ Chiên từ 45 - 55km; sông Hậu từ 40 - 55km; sông Cái Lớn từ 45 - 55km.

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, mấy năm qua, gia đình ông Trần Hữu An (ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) luôn chủ động các giải pháp để phòng tránh. Với diện tích gần 1ha, thay vì trồng lúa, ông An đã chuyển đổi sang trồng khóm để tránh hạn mặn. Ông An cho biết: “Năm nào cũng có tình trạng mặn xâm nhập nên mình chủ động phòng, chống trước để đỡ bị thiệt hại. Nước mặn gây nhiều thiệt hại cho cây khóm vì làm quéo lá, thậm chí chết cây, vì vậy, tôi và bà con trong vùng thường trữ nước ngọt lại để tưới tiêu cho cây trồng, tránh trường hợp thiếu nước hoặc phải dùng nước mặn trong đợt hạn này”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa Đông Xuân muộn của tỉnh hơn 41.000ha, trong đó, diện tích lúa trong kế hoạch hơn 31.000ha, ngoài kế hoạch hơn 9.400ha, cao hơn 34% so cùng kỳ năm trước. Trà lúa giai đoạn mạ hơn 268ha, đẻ nhánh 13.860ha, đòng 16.798ha và trổ, chín là 10.424ha. Lúa tập trung thu hoạch từ ngày 10-20/4/2024 và kết thúc vào tháng 5/2024. Hiện tại, do mặn diễn biến gay gắt và đang ở mức cao, để bảo vệ diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để ứng phó hạn, mặn; cập nhật thông tin nguồn nước thường xuyên đến hộ dân và tiến hành vận hành đóng, mở cống ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời... Các ngành chuyên môn và địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn bằng cách tạo các nhóm Facebook, Zalo để thông tin liên tục đến nông dân.

Hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mà nhiều hộ dân ven biển hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tại tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện tại, có hơn 3.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân là những địa phương có nhiều hộ dân thiếu nước nhất. Tại huyện Trần Văn Thời có 537 hộ với gần 2.200 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.

Ông Trần Văn Đến, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết, để tiết kiệm tiền nước, gia đình ông phải kết hợp giữa sử dụng nước ngọt với nước mặn cho các hoạt động không thiết yếu. Dù sử dụng tiết kiệm nhưng từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã phải trả đến hơn 2,5 triệu đồng tiền mua nước ngọt. Đường ống nước cấp vào đến tận nhà ông nhưng đã 3 tháng nay không có giọt nước nào.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sóc Trăng tổ chức vận chuyển nước sinh hoạt đến hỗ trợ nhân dân ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Ảnh: Văn Long

Tập trung ứng phó với đợt xâm nhập mặn cao điểm

Tình hình hạn mặn mùa khô năm 2024 đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Thực hiện Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, phải chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Để ứng phó với tình hình này, tỉnh Hậu Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về công tác phòng chống hạn mặn để thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ngành chức năng đã phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh, cũng như cấp huyện để vận hành, quản lý khai thác các công trình thủy lợi phù hợp để làm sao đảm bảo là nước mặn không lên đồng ảnh hưởng đến sản xuất cũng như là sinh hoạt của người dân. Qua kiểm tra thực tế tới giờ thì công tác vận hành của các hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Hậu Giang đang phục vụ tốt công tác sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân”.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nông thôn; sửa chữa, khoan mới các giếng khoan quy mô gia đình và các điểm cấp nước tập trung; hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân... để hạn chế thấp nhất tình trạng người dân bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh bố trí hơn 39 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp người dân thiếu và không chủ động nước sinh hoạt trên địa bàn".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, người dân ở các tỉnh chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn như Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang... luôn theo dõi các thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, từ đó chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, lượng nước trữ trong từng hộ dân còn hạn chế và khó đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO