Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 03:05 GMT+7

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tiểu Cần thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia

Biên phòng - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), đến nay, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều dự án, tiểu dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống.

Tuyến lộ ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần xuống cấp được xây dựng mới từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 vừa đảm bảo an toàn trong lưu thông, vừa tạo diện mạo khang trang ở vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Gia Uyên

Đồng bào DTTS thụ hưởng từ Chương trình MTQG 1719

Tiểu Cần có trên 33% đồng bào Dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tiểu Cần đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Từ đó, đã góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng đông đồng bào DTTS, nâng cao đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS.

Để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, trong năm 2022, huyện Tiểu Cần đã triển khai thực hiện 4 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 với tổng kinh phí trên 8,46 tỷ đồng, để thực hiện các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đầu tư cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS…

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, xã Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần) đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS thuộc Dự án 4. Tại ấp Ngãi Trung (xã Tập Ngãi) niềm vui đón lễ Sen Đolta năm nay của bà con thêm phần trọn vẹn khi kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng đã cơ bản đồng bộ hơn kể từ ngày công trình xây mới tuyến lộ giao thông nông thôn gần 1 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Tuyến lộ cũ xuống cấp được xây dựng mới vừa đảm bảo an toàn trong lưu thông, vừa tạo diện mạo khang trang hơn cho bức tranh nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc.

Ông Danh Ny, Trưởng Ban nhân dân ấp Ngãi Trung (xã Tập Ngãi) nói: “Được Đảng, Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến lộ giao thông nông thôn, người dân trong ấp rất vui mừng, phấn khởi. Tuyến lộ mới rộng rãi không chỉ thuận lợi cho người dân trong công việc đồng áng, vận chuyển hàng hóa mà các cháu học sinh đi học cũng dễ dàng, nhất là vào thời điểm mùa mưa. Thời gian tới, Ban nhân dân ấp sẽ tuyên truyền, vận động người dân trồng hoa, lắp đèn chiếu sáng trên tuyến đường, góp phần xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Còn chị Kiên Thị Son, ấp Giồng Tranh (xã Tập Ngãi) là một trong những hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề. Với chị Son, việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề là điều kiện để giúp cho gia đình chị vươn lên phát triển kinh tế. Chị Son cho biết: “Chương trình MTQG 1719 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào DTTS. Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, kinh tế - xã hội vùng đông đồng bào DTTS ngày càng phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Chủ tịch UBND xã Tập Ngãi cho biết: “Ngoài phát triển bộ mặt nông thôn, thời gian qua xã Tập Ngãi còn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về canh tác lúa, trồng rau màu, chăn nuôi heo, bò để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, địa phương còn tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội được kịp thời, hiệu quả nhằm góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ vậy đến nay, xã chỉ còn 33 hộ nghèo (chiếm 0,91%) và 104 hộ cận nghèo (chiếm 2,88%), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 67,5 triệu đồng”.

Chị Danh Kim Thia ấp Cầu Tre, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần là hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, giúp chị có thu nhập ổn định. Ảnh: Gia Uyên

Theo ông Thạch Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần: Bên cạnh các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer thì nhu cầu về vốn vay của người dân rất lớn và cần thiết. Thực hiện chính sách tín dụng Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác, theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2022 Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiểu Cần đã giải ngân cho trên 3.300 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 105 tỷ đồng, trong đó có 933 hộ vay vốn là dân tộc Khmer với số tiền trên 29,4 tỷ đồng, để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, ổn định đời sống. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, nhiều nhà ở được xây dựng khang trang, những con đường bê tông thẳng tắp giúp cho việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của địa phương.

“Từ Chương trình đã góp phần giảm hộ nghèo người DTTS, đến cuối năm 2022 còn 139 hộ (chiếm 0,47%/tổng số hộ Khmer), thu nhập bình quân đầu người đạt 67,2 triệu đồng, có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có nhiều xã có đông đồng bào Khmer như Phú Cần, Hiếu Tử, Hùng Hòa...” - ông Thạch Hùng nói.

Tiếp tục hỗ trợ giúp đồng bào phát triển bền vững

Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc. Qua đó nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao.

Anh Hữu Dũng ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần chăm sóc đàn bò từ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, giúp anh có việc làm và có nguồn thu nhập. Ảnh: Gia Uyên

Ông Lê Chí Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần cho biết: “Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện Tiểu Cần sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách đối với người dân tộc, nhất là thực hiện có hiệu quả các dự án được duyệt thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện 4 dự án với nguồn vốn phân bổ trên 51 tỷ đồng để tập trung giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc... nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần xây dựng quê hương Tiểu Cần ngày càng phát triển và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025”.

Có thể nói, trong thời gian qua, huyện Tiểu Cần triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 rất hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay được đổi thay từng ngày, đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS.

Gia Uyên

Bình luận

ZALO