Biên phòng - Bên cạnh việc triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn kiến thức chăm sóc phòng bệnh cho trâu bò, trong những năm qua, mô hình cấp giống bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ở thời điểm sáp nhập từ xã Chư Jôr vào xã Chư Đang Ya, nguồn vốn giảm nghèo của hai xã được gộp lại nên phân bổ cũng dễ dàng hơn. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức cấp bò sinh sản vẫn là sự ưu tiên để nhiều hộ nghèo và cận nghèo, hộ không có đất sản xuất, hộ không thể chuyển đổi sang nghề khác có cơ hội tiếp cận và vươn lên. Mặt khác, với tập quán canh tác và điều kiện hiện có, người dân ở đây thích nuôi giống bò địa phương với đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh, kháng bệnh tốt và thịt ngon.
Trước đây, ông Ksor Tút là người có khá nhiều đất ở làng Có, xã Chư Đang Ya, nhưng ông đã chia hết cho 6 người con để họ tách hộ ra ở riêng nên ông trở thành một trong 31 hộ nghèo, cận nghèo của xã. Được xã hỗ trợ bò nuôi sinh sản, sẵn tiện chăn thả theo trâu bò nhà, ông nhận luôn nuôi bò của một số hộ dân trong làng để chăm sóc và cải thiện thu nhập. Từ một con bò được xã cấp, đến nay, bò sinh sản được 5 con bò và cả 5 con đang trong thời kỳ sinh sản. Mới đây, ông đã bán một con bò để lấy tiền mua ống tưới nước cho cà phê, hỗ trợ các con có thêm điều kiện phát triển sản xuất. "Nhà nước cấp bò cho mình, mình mừng quá. Nhà nước thấy mình khổ, mình nghèo mà mình cũng già rồi, lại chẳng có việc gì làm, làm việc nặng thì không được, chỉ có đi chăn bò thôi" - ông Ksor Tút tâm sự.
Cũng cần cù, chịu khó giống như ông Ksor Tút, anh A Triệu là một trong 8 hộ ở trong làng Ya, xã Chư Đang Ya được hưởng thụ Dự án giảm nghèo theo mô hình nuôi bò sinh sản. Bây giờ nhìn lại, anh vẫn thấy sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho gia đình anh có khởi đầu khá vững chắc, rõ nhất là việc hỗ trợ bò sinh sản của dự án đã kích thích nỗ lực vươn lên của gia đình anh. Các thành viên trong gia đình anh đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi cùng chăm sóc đàn bò, bản thân anh cũng tích cực lao động, tìm kiếm việc làm để cải thiện thu nhập, tích lũy mua thêm bò, nhờ đó, số lượng bò trong chuồng đã tăng lên thành 6 con và hiện nay, anh vẫn tiếp tục nhân đàn, chưa có ý định bán.
Trong làng Ya có nhiều hộ được cấp bò giống như anh A Triệu và đàn bò đều đang sinh sản tăng đàn, nhưng anh A Triệu là thành công nhất, bởi anh biết tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ, cộng với sự siêng năng, cần cù, chịu khó lao động của cả gia đình. Anh A Triệu cho biết: "Nhà em cũng khổ, không có đất sản xuất, trước bố chia cho một đám đất nhỏ, em phải làm thêm nhiều việc khác nữa mới có tiền nuôi vợ con. Được Nhà nước hỗ trợ cấp cho một con bò, em cũng cố gắng đi làm, kiếm tiền mua thêm được một con, rồi theo năm tháng nó cứ đẻ dần, đẻ dần. Mình thấy bò người ta nhiều, mình cũng thấy có chút đam mê thì mình cứ chăn rồi dần dần nó đẻ ra nhiều, mình thấy thích. Khi nào nó đẻ được nhiều, mình sẽ bán, còn có ít thế này thì mình không bán đâu".
Tại thời điểm sáp nhập xã Chư Jôr vào xã Chư Đang Ya, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn khá cao, còn 27,9%. Giai đoạn 2020 - 2025, xã phải xác định lại và xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó áp dụng phương pháp sắp xếp hộ nghèo thành từng nhóm, theo từng làng để việc hỗ trợ được thuận lợi hơn, nhất là các hộ cùng nhóm có thể cùng trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tạo khí thế thi đua trong nhóm. Nhờ cách làm này mà năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Chư Đang Ya giảm xuống còn 22% và năm 2023 giảm xuống còn 16,9%.
Ông Lê Đức Thu, công chức địa chính nông nghiệp xã Chư Đang Ya cho biết: "Qua các năm triển khai chương trình giảm nghèo thì mô hình nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả hơn các mô hình khác. Trước đây, chúng tôi cũng đã triển khai các mô hình như tái canh cà phê, trồng cây mì, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Như việc nuôi bò của gia đình anh A Triệu, anh Hoài ở làng Ya, gia đình ông Ksor Tút ở làng Có mang lại hiệu quả tương đối cao. Trong 4 năm, các hộ này đã triển khai phát triển đàn bò của mình, từ một con bò của xã cấp cho thì hiện tại đã phát triển lên 4 đến 5 con bò".
Cái khó của xã Chư Đang Ya hiện nay là làm sao có phương án giảm nghèo cho những hộ già yếu, bệnh tật, mất sức lao động, những hộ phụ nữ làm chủ hộ, nhưng thiếu lao động chính, một số khác thiếu nguồn vốn để hỗ trợ cho những hộ đông con, những hộ mới tách hộ, nhưng không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định hoặc không có việc làm. Những khó khăn này ít nhiều đang trở thành lực cản làm chậm tiến độ, hạn chế kết quả giảm nghèo của xã.
Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya cho biết: Khi triển khai chương trình thì gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là vì những hộ nghèo không có tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, mọi thứ đều thiếu, hầu như thiếu 100%. Chúng tôi cũng xác định, rà soát lý do, tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ không thể xóa nghèo được, không thể phát triển được và xác định từng nhóm hộ xem hộ nào thiếu đất thì chúng tôi chuyển cho họ làm những ngành nghề khác, hộ nào có đất sản xuất thì chúng tôi giúp họ tìm phương thức sản xuất nào cho phù hợp. Còn những hộ nào không có đất thì chúng tôi thành lập những tổ, nhóm có sự tương đồng với nhau để tìm phương pháp giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, những hộ nghèo ở trên địa bàn của xã là những hộ thiếu đất sản xuất thì chúng tôi xác định sẽ giúp họ theo mô hình nuôi bò sinh sản. Ngoài việc tuyên truyền, vận động, động viên bà con để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chúng tôi cũng đã có những phương án cho những hộ có hoàn cảnh tương đồng để họ cùng nhau phấn đấu, tạo tính cạnh tranh trong cộng đồng. Cho nên, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao, nhưng những hộ đã thoát nghèo thì không tái nghèo, nhất là 3 năm trở lại đây không có hộ tái nghèo.
Kế hoạch giảm nghèo của xã Chư Đang Ya đặt khá nhiều mục tiêu, nội dung yêu cần cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó có việc hỗ trợ bò sinh sản trong nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không có đất sản xuất, hộ không thể chuyển đổi sang ngành nghề khác vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi nó phù hợp với tập quán sản xuất của bà con và cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương là còn nhiều đồng cỏ để chăn thả.
Với cách làm này kết hợp với việc tranh thủ lợi ích từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia mang lại, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Chư Đang Ya sẽ tiếp tục giảm nhanh trong thời gian tới.
Hải Dương