Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 10:00 GMT+7

Tìa Dình:

Động lực chuyển đổi cây trồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Xã Tìa Dình tin tưởng, với sự hỗ trợ về kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương sẽ có cơ hội thực hiện được kế hoạch chuyển đổi sản xuất và phát triển diện tích cây bí xanh bản địa, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chị Tráng Thị Pà ở bản Tìa Dình 2 phấn khởi thu hoạch bí xanh. Ảnh: Phương Liên

Xã Tìa Dình có diện tích tự nhiên trên 10.332 ha, nằm ở khu vực Đông Nam huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Toàn xã có 641 hộ, với 3.936 người, sinh sống rải rác, không tập trung với 8 cụm dân cư thuộc 10 bản. Trên địa bàn xã có các dân tộc Mông, Thái và Lào. Hiện, xã còn 311 hộ nghèo, với 1.881 nhân khẩu, chiếm 48,51%; 69 hộ cận nghèo, với 362 nhân khẩu, chiếm 10,76%.

Đồng chí Cháng A Lầu - Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết, bí xanh là cây bản địa được trồng ở xã Tìa Dình từ rất lâu, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của các bản Chua Ta 1, bản Chua Ta 2 và một số khu sản xuất của bản Tìa Dình 1, bản Tìa Dình 2 và bản Na Su.

Bí xanh Tìa Dình có ưu điểm là vỏ xanh đậm, khá dày và cứng, vỏ phủ phấn trắng, thơm ngon, bùi, ngọt, hương vị tự nhiên đặc trưng khác những nơi khác. Bí xanh Tìa Dình nặng trung bình từ 1 - 4kg/quả.

Từ năm 2021, một số hộ dân ở xã Tìa Dình đã quyết định trồng 50,4ha cây bí xanh để tìm kiếm thêm cơ hội gia tăng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc và chịu ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi nên năng suất thấp, sản lượng thu hoạch chỉ đạt 166,3 tấn, tương đương giá trị gần 1,5 tỷ đồng.

Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng giảm xuống còn 32,3 ha nhưng do đã có kinh nghiệm chăm sóc và thời tiết thuận lợi hơn nên sản lượng đạt 161,5 tấn, tương đương giá trị khoảng 1,44 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, tình hình đã có sự chuyển biến tích cực khi Tìa Dình được triển khai Tiểu Dự án 2 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, 21 hộ dân bản Na Su đã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí xanh với chủ trì liên kết là Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ tổng hợp Tìa Dình. Các hộ dân tham gia Dự án được chủ trì liên kết tập huấn kỹ thuật và được nhận các hỗ trợ, chế độ đầy đủ theo quy định.

Niềm vui đã đến với những gia đình tham gia Dự án, tiêu biểu là gia đình chị Lò Thị Chiển. Trên diện tích gieo trồng 1,3 ha, chị Chiển thu được món tiền hơn 50 triệu đồng/vụ, khá lớn so với trồng ngô, trồng sắn trước đây.

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Tìa Dình được khích lệ bởi hiệu quả của mô hình trồng bí xanh từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cộng với nhìn thấy những hộ gia đình tiên phong trồng bí xanh từ các năm trước như Giàng A Vừ , Giàng Nhìa Hạ, Giàng Giống Khứ ở bản Chua Ta 2 và Sùng Sáy Lầu, Tráng Sáy Tủa, Giàng Súa Tếnh ở bản Chua Ta 1. Nhờ cây trồng này mà các hộ có thu nhập cao hơn thu nhập cả năm từ các nguồn nông sản khác cộng lại. Hơn nữa, họ không cần làm nương mà sử dụng số tiền thu từ bí để mua thóc, gạo, sửa chữa nhà cửa, mua xe… vươn lên thoát nghèo. Vậy nên, năm 2023, cả xã đã có 86 hộ đổi mới tư duy, chuyển sang trồng bí xanh trên diện tích 60,45ha, đạt 100,7% so với chỉ tiêu huyện giao, tăng 29,95 ha so với năm 2022, trong đó có 15 ha là các hộ dân thực hiện trồng theo dự án liên kết chuỗi giá trị.

Ưu điểm là trong quá trình trồng bí xanh, đồng bào ở Tìa Dình gieo trồng hoàn toàn tự nhiên, không tốn nhiều công tưới tiêu, chăm sóc như các loại cây hoa màu khác. Song do đất tốt, khí hậu thuận lợi nên năng suất đạt 50,6 tạ/ha, đồng bào thu về tổng sản lượng gần 306 tấn. Với giá bình quân từ 8 - 10 nghìn đồng/kg tại xã đã mang lại cho đồng bào nguồn thu hơn 2 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Những ngày này, gia đình chị Tráng Thị Pà ở bản Tìa Dình 2 rất phấn khởi vì nhờ chuyển sang trồng bí xanh mà có khoản thu nhập 40 triệu đồng/vụ. Không chỉ có nhà chị Pà, nhiều hộ dân khác cũng được hưởng niềm vui ấy, như gia đình anh Tráng A Hù ở bản Chua Ta 1, với 1 ha bí đã đem lại nguồn thu 50 triệu đồng/vụ; gia đình Sùng Khua Sáng ở bản Chua Ta 2 cũng thu được khoảng 50 triệu đồng/vụ…

Nhiều hộ đồng bào các dân tộc thiểu số xã Tìa Dình thu nhập từ bí xanh đạt 40 - 50 triệu đồng/vụ. Ảnh: Phương Liên

Ông Vũ Ngọc Hoành - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết, năm 2023, huyện được giao kế hoạch vốn gần 27 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 2 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn này, huyện đang chỉ đạo các xã triển khai hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 2 chuỗi liên kết gồm: Bí xanh Tìa Dình và hỗ trợ cộng đồng trồng bí xanh tại xã Luân Giói với quy mô 260 hộ tham gia trên diện tích 15ha. Ngoài ra, còn hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất Nếp tan xã Luân Giói.

Đồng chí Cháng A Lầu - Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình chia sẻ, từ năm 2019, bí xanh xã Tìa Dình đã được công nhận và xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP. Nhiều người tiêu dùng đã biết đến thương hiệu Bí xanh Tìa Dình - một thế mạnh đặc trưng của địa phương. Bí xanh Tìa Dình không chỉ dùng để chế biến các món ăn hàng ngày mà còn có thể chế biến thành các sản phẩm khác như trà bí đao, trà giảm cân, mứt, xà bông. Vì vậy, xã rất tin tưởng với sự hỗ trợ về kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương sẽ có cơ hội thực hiện được kế hoạch mở rộng diện tích trồng bí xanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phấn đấu năm 2024, gieo trồng đạt 65ha.

Về phía chính quyền xã, để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu Bí xanh Tìa Dình trên thị trường, sẽ thực hiện bảo tồn nguồn gen giống cây bản địa; hỗ trợ đồng bào canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch; xây dựng kênh phân phối nguồn giống chuẩn, đồng nhất để đồng bào canh tác, góp phần giữ được chất lượng thơm ngon của bí bản địa.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng và phát triển cây bí; hướng dẫn bà con bảo quản đúng quy trình, phân loại mẫu mã, khi xuất ra thị trường cần có bao bì, tem mác để tránh bị trộn lẫn với các loại bí khác. Phát huy sức mạnh và vai trò của Hợp tác xã liên kết với hộ dân trồng và bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho bà con.

Tìa Dình quyết tâm phát huy nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy chuyển đổi cây trồng hiệu quả, phát triển bền vững cây bí xanh, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phương Liên

Bình luận

ZALO