Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 05:01 GMT+7

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”:

Động lực thúc đẩy phát triển nông sản Việt

Biên phòng - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ trên cả nước là động lực thúc đẩy phát triển các sản phẩm của nhiều vùng, miền khác, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu. Nông sản Việt nhờ đó đã được nâng tầm, vươn tới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính.

Bài 1: Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương

Triển khai từ năm 2018, Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của từng vùng, miền và nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn.

4mes_13a
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm đã được tổ chức để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản sạch. Ảnh: Bích Nguyên

Cú hích phát triển nông sản lợi thế

Xác định OCOP là cơ hội để phát triển nông nghiệp, nâng tầm nông sản của địa phương, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai chương trình gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu hướng tới là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Hiện, cả tỉnh có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, năm 2019, đã có 28 sản phẩm OCOP (trong đó, có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao). Nhiều sản phẩm được chế biến sâu như mận, chè xanh, xoài, tỏi...

Ông Nguyễn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, đến nay, Sơn La có 18 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, trong đó, có 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La. Một số sản phẩm chế biến từ trái cây và trái cây tươi như xoài đã xuất khẩu được sang Mỹ, Autralia...

Giống như Sơn La, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng quyết tâm rất cao khi triển khai Chương trình OCOP, coi đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất phát triển lợi thế và các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã công nhận 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (97 sản phẩm 3 sao; 8 sản phẩm 4 sao). Nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, được thị trường ưa dùng như hồng không hạt, miến dong, cam, quýt, gạo bao thai, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, tinh bột nghệ cao cấp Cucumin...

Cùng với Sơn La và Bắc Kạn, 17 tỉnh, thành khác đã đánh giá, phân hạng và công nhận tổng cộng 900 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Các địa phương sau khi cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đã cấp quyền sử dụng, quản lý nhãn hiệu OCOP, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ngoài việc công nhận sản phẩm OCOP, 19 tỉnh, thành phố chỉ đạo điểm đã khảo sát, lập danh sách để xây dựng 10 Làng Văn hóa du lịch. 

“Khởi đầu từ Nhật Bản cách đây 40 năm, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành một phong trào lan rộng ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và cả châu Âu với nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi nước. Việt Nam là quốc gia tham gia OCOP muộn nhất, nhưng là quốc gia có sáng kiến để kết nối mạng lưới toàn cầu của lĩnh vực này khi nhận thấy những giá trị của OCOP, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang lại” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết.  

Sẽ tiêu chuẩn hóa thêm 1.200 sản phẩm

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá, Chương trình OCOP mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5-2018), song đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn... Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP diễn ra sôi nổi khắp cả nước từ Trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương đã thực hiện mở các trung tâm, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP như: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... tạo nên hiệu ứng tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hiện, các tỉnh vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm). Trong đó, thực phẩm có 2.218 sản phẩm, nhóm Đồ uống có 397 sản phẩm, nhóm Thảo dược có 264 sản phẩm, nhóm Vải may mặc 100 sản phẩm, nhóm Lưu niệm, nội thất trang trí có 666 sản phẩm và nhóm Dịch vụ, du lịch và bán hàng có 198 sản phẩm.

sx9e_13b
Cam sành là một trong 4 sản phẩm đang được tỉnh Hà Giang nỗ lực đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chỉ dẫn địa lý trong năm 2020. Ảnh: Bích Nguyên

Mục tiêu của Chương trình OCOP năm 2020 tại Việt Nam sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng  ít nhất  1.200 sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý III/2020. Triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. Đồng thời, phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP...

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay, trong thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia cần được đặc biệt chú trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Festival/Hội chợ OCOP quốc gia lần thứ nhất vào quý IV/2020 (dự kiến tháng 11-2020); tổ chức 3 hội chợ OCOP cấp vùng. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại các địa phương, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cấp tỉnh; triển khai phát triển trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP của các địa phương nơi có đủ điều kiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Công thương. Thực hiện xúc tiến thương mại điện tử bán sản phẩm OCOP.

Bài 2: Nghiên cứu thị trường, tránh làm theo phong trào

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO