Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 08:34 GMT+7

Du lịch Quảng Ninh – cánh cửa mở rộng

Biên phòng - Sau rất nhiều cân nhắc, Quảng Ninh đã quyết định đón khách du lịch ngoại tỉnh bắt đầu từ ngày 1-11 với điều kiện các gói du lịch tuyến, lữ hành phải đảm bảo an toàn. Ngày 30-10, tại thành phố Hạ Long, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Hội thảo "Du lịch Quảng Ninh giai đoạn bình thường mới - Cơ hội và thách thức".

Du khách vui mừng được thăm vịnh Hạ Long trở lại. Ảnh: TTH

Tại hội thảo này, điều mong đợi nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Quảng Ninh là bàn thảo, phân tích và thống nhất về mặt quan điểm với địa phương nhằm tìm ra phương án tốt nhất trong việc tái phục hồi kinh tế du lịch sau kỳ đại dịch kéo dài. Đáp ứng mong đợi này, hội thảo trở thành diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp trong ngành cùng thảo luận, đánh giá về cơ hội và thách thức của du lịch Quảng Ninh thời kỳ hậu Covid-19. Một số định hướng và giải pháp đột phá để đưa vùng di sản Hạ Long - điểm đến trọng điểm về du lịch của miền Bắc sớm phục hồi và bứt phá nhanh, mạnh, trong điều kiện bình thường mới.

Đặc biệt, tham dự hội thảo, ngoài đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam và ngành du lịch các địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh, còn cón đại diện một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong hoạt động du lịch là Sun Group, Du thuyền Đông Dương, Saigontourist, VietFood Travel, Viettravel cùng tham dự. Cộng đồng các doanh nghiệp lữ hành nhận định rằng, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động cho đến hết năm 2023 là cần thiết, tuy nhiên chưa đủ. Nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo ra đột phá sáng tạo mới là cơ bản. Bên cạnh đó, quan điểm của địa phương cần rõ ràng, rộng mở, hợp lý, vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện để hoạt động du lịch trở nên bình thường, nuôi dưỡng thói quen du lịch, hình thành các trào lưu mới nhằm mang đến cho du lịch Quảng Ninh một sắc diện mới.

Hạ Long cũng vừa có một quyết định có tính đột phá là cho phép hoạt động nhà hàng tàu biển - một dạng phòng ăn di động trên mặt vịnh mà trước đây loại hình kinh doanh này vấp phải rất nhiều lo ngại về mức độ an toàn, bảo vệ môi trường mặt nước, an ninh. 30 tàu du lịch đạt danh hiệu “cánh buồm xanh” neo đậu tại bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đón khách lên tàu ăn uống vào khung giờ từ 17giờ đến 23 giờ hằng ngày.

Tại vị trí đắc địa là vịnh Cửa Lục êm thuận, hiền hòa dưới chân cầu Bãi Cháy, thực khách có thể thưởng thức bữa ăn đẳng cấp sang trọng trên nhà hàng nổi. Đây cũng là hoạt động đưa ra để tạo điểm nhấn đến mới cho du lịch Quảng Ninh khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch trở lại bình thường. Khi đời sống du lịch được phục hồi, đội tàu “Cánh buồm xanh” sẽ giúp giảm tải lượng khách cho các nhà hàng trên bờ khi vào những mùa cao điểm. Mô hình kinh doanh nhà hàng nổi trên biển được đánh giá là bền vững trong tương lai, tối ưu khả năng khai thác của tàu thăm vịnh Hạ Long, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trở nên chuyên nghiệp, hiện đại và đa dạng.

Xét lại quá trình chống dịch của Quảng Ninh từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đây là địa phương đầu tiên ứng phó với dịch, hứng chịu nhiều tổn thất kinh tế nhất cũng như thời gian đối diện với tác động tiêu cực của dịch bệnh kéo dài nhất do đặc thù kinh tế trọng điểm với 3 mũi nhọn cửa khẩu - cảng biển - du lịch. Vì vậy, bứt phá trong việc mở cửa đón khách du lịch trở lại là mong mỏi của cả địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như du khách bốn phương.

Dự kiến, Quảng Ninh sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc trong quý 4 năm 2021 để thu hút và quảng bá du lịch trong tình hình mới. Trong đó, phát huy lợi thế của mình là du lịch mùa đông, Quảng Ninh chú trọng tới tiềm năng thế mạnh về mảng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới - cửa khẩu và vịnh Hạ Long. Một số chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức ngoài trời để tạo ra một hình ảnh Hạ Long mới sau mùa dịch đang được ráo riết chuẩn bị.

Du lịch Quảng Ninh đang phải đối diện với nhiều khó khăn do hệ lụy của dịch Covid-19. Doanh thu du lịch Quảng Ninh sụt giảm 70% so với thời điểm trước khi có dịch. Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và hoạt động du lịch đóng băng. Điều duy nhất để cộng đồng du lịch hy vọng là Quảng Ninh có thể kiểm soát dịch bệnh an toàn, biến địa phương thành vùng xanh vững chãi để làm bàn đạp, nội lực nhanh nhất có thể bứt phá trong giai đoạn bình thường mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030.

Mục tiêu an toàn trước dịch bệnh không phải là đóng cửa, là chối bỏ hoạt động du lịch và hy vọng không có ca bệnh nào, mà an toàn là khả năng xử lý, kiểm soát mức độ lây lan mỗi khi xuất hiện các nguồn lây không mong muốn. Vì vậy, kiến thức và kỹ năng xử lý chống dịch của các doanh nghiệp du lịch phải được nâng lên một bước. Xu hướng giãn cách phải mặc nhiên chấp nhận, ưu tiên các điểm đến không đông đúc; ưu tiên các trải nghiệm an toàn; hành trình không chạm. Hiện nay, Quảng Ninh vẫn có lợi thế là vùng có tỉ lệ tiêm chủng cao, chiến lược mở cửa du lịch có kiểm soát chặt chẽ, mô hình du lịch an toàn, độc lập đang không chỉ khẳng định vị thế điểm đến giàu tiềm năng nhất mà còn có cơ hội phục hồi du lịch tốt bậc nhất cả nước.

Việc mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine là hoàn toàn có thể đối với Quảng Ninh. Hệ thống các điểm tham quan của Quảng Ninh đều được nối an toàn với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hệ thống đường cao tốc.

Phục hồi và đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường đối với Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng để các địa phương khác có thể áp dụng phương thức, mô hình từ “đầu tầu” này. Khi duy trì được thói quen du lịch thì Quảng Ninh mới có thể tiếp tục thực hiện tiến trình xây dựng mô hình du lịch 4 mùa, xúc tiến kích cầu với nhiều hoạt động bề nổi hấp dẫn, xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch. Đặc biệt là tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa lễ hội quy mô từ nay cho đến cuối năm. Trong đó có việc đẩy mạnh chuyển đổi số, truyền bá văn hóa du lịch trên nền tảng internet.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO