Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 08:05 GMT+7

Đừng để “thờ ơ, vô cảm” trở thành căn bệnh “ung thư tâm hồn” ở thế hệ trẻ (kỳ 1)

Biên phòng - Cùng với sự phát triển của xã hội và ảnh hưởng đa chiều của công nghệ số, mạng xã hội, những giá trị đạo đức mang tính chuẩn mực đang dần bị mai một ở một bộ phận giới trẻ hiện nay; trong đó có tình yêu thương, tình đồng loại, thái độ xã hội và trách nhiệm với cộng đồng hay chỉ đơn giản là sự đồng cảm giữa con người với con người. Một bộ phận giới trẻ nước ta hiện nay đã viện dẫn những xu hướng mang tính cá biệt để biện minh cho sự thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, thực dụng, ngại va chạm và chỉ nghĩ đến bản thân của mình.

Có thể nói, nếu “tình yêu thương” mang sức mạnh chữa lành cả tâm hồn và thể chất thì “đạo đức xã hội”, “trách nhiệm công dân” cùng những giá trị cốt lõi của nó chính là “liều thuốc” đặc trị hữu hiệu căn bệnh “thờ ơ, vô cảm”. Việc khơi dậy tình yêu thương, lòng trắc ẩn vun đắp tinh thần cộng đồng, khát vọng cống hiến… trong thế hệ trẻ là một đòi hỏi biện chứng trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Kỳ 1: Bệnh “thờ ơ, vô cảm” và những hệ lụy đối với thanh niên

Tuổi trẻ luôn gắn liền với vai trò tiên phong, khát khao cống hiến, đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Các đoàn viên, thanh niên trao đổi về giải pháp tem QR 4.0 trong nông sản và thực phẩm tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII. Ảnh: Thùy Chi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ chỉ có thể làm được một phần nhất định, trong đó: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức các cháu nhi đồng”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng, vừa chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế hệ trẻ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thế hệ trẻ; xác định thế hệ trẻ là lực lượng xung kích cách mạng; tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong tay thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chỉ thị về thế hệ trẻ và chăm lo thế hệ trẻ; nổi bật: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, với xã hội”.

Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thanh niên thực sự đã và đang phát huy được thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà biểu hiện rõ nhất là hình ảnh thanh niên tham gia rất tích cực và có hiệu quả trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19”. Điều đó cho thấy, với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ trẻ nước ta đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố, bao gồm mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá, tuyên truyền kích động, làm sai lệch nhận thức của các thế lực thù địch, sự thiếu quan tâm giáo dưỡng của gia đình và đặc biệt là tác động tiêu cực từ môi trường internet, các nền tảng mạng xã hội... đã khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ có những biểu hiện “thờ ơ, vô cảm”, chạy theo những xu hướng không lành mạnh với trào lưu “đua trend”, “đú trend” một cách “lệch chuẩn”. Điều đáng nguy hại, biểu hiện “thờ ơ, vô cảm” đang có xu hướng lây lan rộng trong xã hội nói chung, trong một bộ phận lớp trẻ nói riêng. Nếu không có liều thuốc “đặc trị” kịp thời thì nguy cơ “băng hoại”, “phá vỡ” nền tảng đạo đức, phẩm giá con người, tinh thần xã hội và tâm hồn thế hệ trẻ là nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt.

Có thể khẳng định, “thờ ơ, vô cảm” không phải là căn bệnh trong y học nên không đưa ra được phác đồ điều trị, nhưng đây lại là căn bệnh bắt nguồn từ lối sống, môi trường không lành mạnh và cách hành xử của từng con người đã vô hình trung tạo ra. Có thể hiểu “thờ ơ” chính là sự thiếu cảm giác, cảm xúc, sự quan tâm hoặc mối quan tâm về điều gì đó. Còn “vô cảm” là một trạng thái cảm xúc tiêu cực, biểu hiện của sự bàng quan, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc hoặc có rất ít cảm xúc với sự vật, hiện tượng quanh mình. Theo đó, “thờ ơ, vô cảm” được hiểu chung nhất là trạng thái trơ lì cảm xúc, dửng dưng, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, trước những nỗi đau, bất hạnh của người khác, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, bỏ qua giá trị đạo đức xã hội; là con đường ngắn nhất dẫn đến băng hoại đạo đức, lối sống con người nói chung và tâm hồn giới trẻ nói riêng.

Biểu hiện rất rõ của sự “thờ ơ, vô cảm” ở giới trẻ hiện nay đó là biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn” và “xa rời chính trị”. Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn” và “xa rời chính trị” ở giới trẻ hiện nay đó là: Khát khao đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến sức trẻ, năng lực của bản thân dưới lá cờ cách mạng của Đảng để phụng sự Tổ quốc và nhân dân là không rõ ràng; thiếu niềm tin vào tổ chức Đoàn, ngại sinh hoạt Đoàn, coi yếu tố vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ của một công dân; bàng quan, “thờ ơ” trước các vấn đề chính trị, coi đó là việc của xã hội, việc của chính quyền, không liên quan và ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình…

Một thực trạng có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay là một bộ phận giới trẻ, trong đó có nhiều trí thức trẻ có trình độ, năng lực, được học hành, đào tạo bài bản nhưng lại không hề có những kiến thức xã hội, quy luật vận hành của xã hội ngày nay hoặc các vấn đề mang tính thời đại, quốc gia, dân tộc. Họ chỉ dành phần lớn thời gian để chạy theo điểm số trong học tập và thứ hạng trong công việc; chạy theo những thú vui giải trí; quan tâm những câu chuyện về một ban nhạc đình đám nước ngoài sang biểu diễn tại Việt Nam, một bộ phim, bài hát mới, một “hot trend” mới hơn là những biến động chính trị xảy ra quanh mình. Họ sẵn sàng lao vào những cuộc tranh luận, cuộc chiến “cào phím”, “ăn thua đủ” để bảo vệ cho thần tượng nhưng dường như im bặt trước những vấn đề chính trị - xã hội xung quanh, coi đó “không phải việc của mình”.

Sự “thờ ơ” sẽ dẫn đến sự “vô cảm”, “lãnh cảm” trong những người trẻ, nhất là đội ngũ trí thức trẻ trước những vấn đề trong xã hội, không lên tiếng hay có hành động thực chất để bảo vệ và phát huy những việc tốt, điều hay trong xã hội. Hãy thử tưởng tượng nếu đa số thế hệ trẻ có thái độ “vô cảm” thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? “Rường cột nước nhà” sẽ ra sao, nếu không nói là đã mục nát ngay từ trong trứng nước? Vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân, mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái. Đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, đáng buồn thay mỗi khi những hình ảnh về sự “thờ ơ, vô cảm” của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo, mạng xã hội hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng diễn ra ngay ở mái trường mà họ đang học tập, rèn luyện; như các vụ bạo lực học đường, bạo lực ở giới trẻ: Vụ việc xảy ra ngày 19/3/2024, tại đình làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội, một thiếu niên đánh nam sinh lớp 8 dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê sâu, tiên lượng tử vong cao, tổn hại sức khỏe đến 99%; vụ việc nam sinh lớp 12 tại Tiền Giang cầm dao tự chế đâm chết người ngày 24/1/2024; vụ việc các nữ sinh đánh nhau, cởi đồ, xé áo và cắt tóc bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào”...

Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn học sinh đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Không ít người gặp người bị nạn chẳng quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, hoặc chỉ để quay clip để đưa lên trang cá nhân “câu view”, “câu like”... Hay những vụ hồn nhiên hôi của, giành giật đồ đánh rơi ngoài đường, bỏ qua lời van xin của người đang gặp nạn; không ai sẵn lòng giúp đỡ người bị tai nạn vì e ngại phiền phức. Đó là những tiếng chuông báo động về sự “thờ ơ, vô cảm”.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng, sống ở thời đại số, giới trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Song điều chúng ta đáng suy ngẫm đó là ở họ có xu hướng “thờ ơ” với lịch sử, các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc và thay vào đó, họ lại tiếp nhận lễ hội nước ngoài vào nước ta một cách biến tướng, nhảm nhí, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu của nó như: Ngày Lễ tình yêu được cổ xúy đi nhà nghỉ, khách sạn với lối sống lệch lạc; có những lễ hội ngoại nhập xuất hiện nhiều hình ảnh, hình tượng dị hợm, ma quỷ, chết chóc, gây ám ảnh người khác... Điều đó đã sẽ rất nguy hại đến tâm hồn, nếp nghĩ trẻ thơ, hồn nhiên, trong trắng nhưng đầy ước mơ, khát vọng của thế hệ trẻ.

Không chỉ có biểu hiện “thờ ơ, vô cảm” với xã hội, những vấn đề xảy ra trong xã hội, một bộ phận giới trẻ bỏ ngoài tai những lời khuyên răn, dạy bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô, vô cảm trước nỗi đau, sự vất vả của chính cha mẹ mình. Cho dù cha mẹ phải lao động vất vả, vượt qua bao áp lực, khó khăn để lo lắng cho tương lai tốt đẹp của con cái, nhưng thay vào đó, họ lại không để ý đến những lời khuyên, bao sự vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ và chỉ biết đắm mình vào “thế giới ảo” thông qua các thiết bị thông minh cá nhân. Ban đầu, việc đó chỉ dừng ở sự “vô tình”, nhưng lâu dần, nó đã trở thành sự “trơ lì”, “ảo giác” trong tâm hồn giới trẻ và đưa họ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như: Nghiện game bạo lực, đánh bạc trên mạng, sử dụng ma túy đá, sát hại cha mẹ, người thân, tự sát bản thân…

Kỳ 2: Những giải pháp chế ngự bệnh “thờ ơ, vô cảm” trong thanh niên Quân đội

Mai Xuân Đạt

Bình luận

ZALO