Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 04:57 GMT+7

Dưới cơn mưa rừng biên giới

Biên phòng - Giữa đại ngàn Yok Đôn, biên giới những ngày “co mình” trong những cơn mưa dầm tháng Bảy. Có cảm giác không gian dường như chậm lại trên mỗi tán cây, mỗi góc rừng, thậm chí cả trên đầu con lũ đục ngầu cuồn cuộn đổ về đây trước khi hòa vào dòng Sê Rê Pôk chảy sang đất bạn Campuchia. Một ngày ráo tạnh giờ bỗng trở nên xa xỉ đối với lính Biên phòng (BP). Vừa khắc khoải đợi chờ cơn mưa đầu mùa sau gần nửa năm khô hạn, biên giới lại mỏi mòn mong ngóng nắng lên.

Một ngày nắng lên, những chuyến tuần tra biên giới của người lính Đồn BP Sê Rê Pôk, BĐBP Đắk Lắk giữa Vườn quốc gia Yok Đôn đỡ vất vả hơn nhiều. Ảnh: Thái Kim Nga

“Khúc quân hành” trong bữa cơm chiều gấp vội

Hơn 40 ngày trôi qua kể từ sau vụ khủng bố đập phá trụ sở chính quyền, tàn sát cán bộ, nhân dân xảy ra tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6, đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ 90 đối tượng liên quan, trong đó có những tên bị Công an tỉnh Đắk Lắk phát lệnh truy nã đặc biệt. Mặc dù vậy, vẫn còn một số đối tượng hiện đang lẩn trốn đâu đó trên những cánh rừng, trong đó có 3 tên mang lệnh truy nã đặc biệt, gồm: Nay Dương (55 tuổi, trú tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk), Y Huăl Ê Ban (53 tuổi, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) và Y Khing Liêng (31 tuổi, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). Cả 3 tên này đều sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và chắc chắn đang run rẩy “đếm ngược” thời gian chờ ngày sa lưới pháp luật.

Những kẻ ác nhân đang run rẩy là phải, bởi bên cạnh sự truy lùng, vây ráp của các lực lượng chức năng ở khu vực nội địa thì đây cũng chính là quãng thời gian biên giới các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đoạn biên giới trong vùng lõi và hai bên “cánh gà” Vườn quốc gia Yok Đôn của tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn được siết chặt. Dưới cơn mưa tầm tã nơi cuối trời biên giới, các đơn vị BĐBP trong tuyến kiên trì tuần tra, mật phục, tạo nên tấm chắn dày đặc và vững chắc, quyết tâm cùng với các lực lượng sớm đưa toàn bộ nhóm khủng bố ra đền tội trước nhân dân. Hơn 40 ngày đêm “vén gió, gạt mưa” giữa núi rừng biên giới, bữa ăn, giấc ngủ của người lính BP theo đó cũng trở nên gấp vội hơn. Nếu không phải dựng lán căng võng giữa rừng già “thức cùng biên giới” thì họ cũng sẵn sàng nhận lệnh cấp trên hành quân vào bất kỳ lúc nào. Chỉ mong trời đừng đổ mưa, có một ngày nắng lên thật ráo tạnh để bước chân người lính vơi bớt nỗi nhọc nhằn.

Sau khi lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bắt được 3 trong số 6 tên khủng bố mang lệnh truy nã đặc biệt vào ngày 15/7/2023, chúng tôi có mặt tại Vườn quốc gia Yok Đôn để cùng trải nghiệm “khúc quân hành” với lính BP. Đây là quãng thời gian các đơn vị BĐBP Đắk Lắk được đặt trong trạng thái thường trực sẵn sàng chiến đấu. Nhiều đồn BP thậm chí còn bỏ dở bữa cơm chiều, vội vàng khoác súng lên đường làm nhiệm vụ. Dưới cơn mưa trắng thẫm trời biên giới, dai dẳng suốt từ ngày này sang ngày khác, người lính BP vẫn lặng lẽ bám chặt mọi “yết hầu” qua lại, không để bất kỳ lối thoát nào dành cho bọn tội phạm khủng bố khi chúng có ý định vượt biên sang Campuchia.

Cùng với đó, các đồn BP trong tuyến phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Campuchia “khóa chặt” hai bên biên giới, sẵn sàng “tiếp đón” những vị khách không mời khi chúng xuất hiện ở bất kỳ vị trí, thời điểm nào. Với thế trận khóa đầu chặn đuôi, “trong đánh mạnh, ngoài bịt chặt” như thế thì việc những tên khủng bố cuối cùng sa lưới pháp luật chỉ còn là vấn đề thời gian. Và thực tế cũng đã chứng minh điều đó. Vào trưa ngày 21/7/2023, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã bao vây bắt giữ 3 tên còn lại là Nay Dương, Y Huăl Ê Ban và Y Khing Liêng khi chúng đang lẩn trốn tại đồi Độc Lập thuộc xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Như vậy, đến thời điểm này, toàn bộ 6 đối tượng bị truy nã đặc biệt liên quan vụ tấn công khủng bố ngày 11/6 đã sa lưới pháp luật.

“Tấm thổ cẩm” và những chuyến thoi đưa

Trong những ngày cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là đối với nhóm tội phạm khủng bố vừa qua, nếu như trên đường biên giới luôn được khóa chặt bởi những “mắt lưới” BP, thì ở các địa bàn dân cư, hay trên nương rẫy canh tác của bà con nằm trong khu vực biên giới, bước chân của người lính BP càng được tăng dày hơn. Bên cạnh các tổ, đội công tác địa bàn thường trực 24/24 giờ, tất cả “cánh quân chủ lực” của công tác dân vận như cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng, phụ trách hộ gia đình, các tổ tự quản, già làng, trưởng thôn... đều “xắn tay áo” vào cuộc, kích hoạt phong trào toàn dân đấu tranh tố giác tội phạm lên mức cao nhất.

Cán bộ quân y Đồn BP Ea H’leo khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân và các thành viên tổ tự quản trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Nếu ví cơn mưa rừng tháng Bảy như tấm thổ cẩm trắng thẫm đan dày trên khung trời biên giới thì lính BP là những con thoi miệt mài giữa đường tơ. Những cuộc gặp gỡ trò chuyện với quần chúng nhân dân, những chuyến tuần tra địa bàn của các lực lượng phối hợp giữa BĐBP, Công an, dân quân xã, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, tổ viên tự quản... tạo nên thế trận BP toàn dân vững chắc với hàng ngàn, hàng vạn đôi mắt soi vào dấu chân của kẻ lạ mặt.

Đại úy Nguyễn Phi Lành, Chính trị viên phó Đồn BP Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Hơn một tháng qua, đặc biệt là những ngày gần đây, chúng tôi một mặt, tăng cường bám nắm địa bàn; mặt khác, phối hợp với các lực lượng tổ chức rất nhiều buổi tuần tra vũ trang trên khắp các địa bàn dân cư do đơn vị quản lý (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp). Mọi thông tin, hình ảnh về các đối tượng trong vụ khủng bố bị phát lệnh truy nã đã được cập nhật, phổ biến đến bà con nhân dân nên bất kỳ ai vào địa bàn cũng đều qua rất nhiều tầng, nấc quan sát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý kẻ phạm tội hoặc những hành vi tiếp tay cho kẻ phạm tội...”.

Cơn mưa rừng tháng Bảy sụt sùi, dai dẳng không chỉ là thử thách khắc nghiệt dành cho “khúc quân hành” trên đường biên giới mà nó còn làm nặng hơn bước chân người lính bám trụ nơi đất làng. Nhưng không sao, đó cũng chỉ là những “họa tiết” làm cho “tấm thổ cẩm” giữa khung trời biên giới rực rỡ hơn, bền chắc hơn. Sau những chuyến đi của người lính BP được ví như “con thoi” ấy, toàn bộ 38 tổ tự quản an ninh trật tự thôn buôn, cùng hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk đã được kích hoạt lên cấp độ cao nhất, chặn đứng ý đồ vượt biên trốn lệnh truy nã của bọn tội phạm ngay khi chúng vừa đặt chân vào khu vực biên giới.

Trải nghiệm với lính BP dưới cơn mưa rừng biên giới, tôi chỉ mong sao có một ngày ráo tạnh để “khúc quân hành” và những chuyến “thoi đưa” vơi bớt nỗi nhọc nhằn.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO