Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 08:18 GMT+7

Dưới mái “âm dương”

Biên phòng - Khéo léo và bặt thiệp, anh Giàng Mí Phứ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang tiếp đón chúng tôi trong phòng làm việc. Sau chén nước được nấu từ các loại lá rừng, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về kiến trúc của ngôi nhà trình tường của người Pu Péo, anh mời chúng tôi đến thăm nhà anh vợ mình. Số là anh vợ là người Pu Péo đang làm nhà mới. Nhận lời, chúng tôi hăm hở lên đường.

 2618.gif
Xóm Pu Péo ở Sủng Cháng.
Với số dân ít ỏi chỉ trên dưới 1.000 người, lại sống phân tán dọc theo dải đất biên giới Việt - Trung, cộng đồng người Pu Péo theo nếp người xưa thường tìm đến những vùng bồn địa trũng giữa núi rừng, có khí hậu á nhiệt đới để dựng nhà, lập bản. Do ở vùng đất thấp, nên những người Pu Péo vừa có thể làm ruộng nước, lại vừa dựa được vào rừng với những nghề phụ như nuôi ong mật, lấy măng, nấm, mộc nhĩ.

Từ xa xưa, người Việt đã có quan niệm việc tậu trâu, cưới vợ, làm nhà là ba công việc lớn của đời người. Đối với người Pu Péo, thì điền trạch có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình và mỗi cá nhân trong gia đình ấy. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới...

Nhà trình tường của người Pu Péo có nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông, người Hoa. Nhưng đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo đã khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Thường họ làm nhà năm gian, những hộ khó khăn thì cất tạm ba gian cũng thành tổ ấm. Cũng có thời kì người Pu Péo học theo người Hoa làm nhà hai tầng, sau này, họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt phân bố không gian sinh hoạt trong  một tầng nhà duy nhất, rất khoa học. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc Pu Péo thường sáng sủa, phong quang hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông.

Độc đáo và kì thú nhất có lẽ phải kể đến bức tường trình dày gần 50cm. Loại đất này được lấy từ những vạt đồi hoàng thổ, được sàng lọc kĩ đất tạp rồi pha lẫn sỏi hoặc đá răm để đạt được độ bền cao và chịu được lực tác động lớn như gió bão hoặc bị xe cộ đâm phải. Ngoài ra, còn cần có một lớp đá cao gần nửa mét xếp bao quanh chân tường để tránh sụt lún do nước mưa xói mòn hoặc làm rã đất. Từng gùi đất lấy về được đổ vào máng (công cụ được đóng bằng gỗ dùng cho việc trình tường), những người khác dùng vồ nện đất săn lại, kết dính với tầng đất phía dưới. Người nào khéo tay hơn sẽ đứng trên giàn giáo dựng bằng cây gỗ tạp, lấy vồ hoặc tay không đập vào thành tường để đất tường mịn dẻo, ánh lên tinh đất và cũng là để bức tường thêm phần chắc chắn.

Không gian sinh hoạt của các gia đình Pu Péo được phân biệt khá rõ ràng với nhà ở, vườn và chuồng gia súc. Trong ngôi nhà của họ dứt khoát phải đặt hai bếp, được gọi tên là bếp thiêng và bếp phụ. Nếu người Kinh, Hoa, Mông thường dành thoang vụ - gian giữa, làm nơi thờ cúng thì người Pu Péo chỉ để gian này cho khách và bà con nội ngoại nghỉ ngơi. Thoang plu - gian bên trái mới là gian giữ hồn của chủ nhà với chiếc bếp kiềng - bếp thiêng được đặt chính giữa, trên bếp luôn có chiếc ấm đồng để đun nước thờ cúng tổ tiên.

Vạt đất phía dưới bếp kiềng trước khi vào nhà mới được đào lên, rồi đổ nước và lông con gà dùng để cúng nhập trạch vào đó và lấp đất lên. Cạnh đó là dãy phản bày các đồ cúng tổ tiên. Trên cao có ban thờ đặt bát hương và những chiếc hũ gốm tượng trưng cho một đời người. Tôi nhẩm đếm thì thấy trên ban thờ của các gia đình trong xóm thường có từ ba đến năm hũ. Mỗi ngày, bà chủ nhà có trách nhiệm nổi lửa ở bếp kiềng một lần, có vậy mọi sự mới được hanh thông, đại cát. Và chỉ có những cậu trai chưa lập gia đình mới được ngủ trong thoang plu.

Không gian dành cho phụ nữ là thoang p,sau - gian nhà bên phải. Ở đây có bếp lò dùng vào việc nấu ăn hàng ngày và nơi ở cho con gái. Cũng tại thoang p, sau, các cô bé sẽ được mẹ dạy nữ công và các luật tục mà người con gái phải tuân theo cho đến khi hai tay buông xuôi. Cũng có thể nói rằng, nếu thoang plu là nơi giữ hồn gia chủ, lưu giữ chí tráng nam nhi của người trai thì thoang p,sau là nơi ủ ấm ngọn lửa tình thân, dệt giấc mơ trở thành mẹ hiền, vợ đảm của thiếu nữ Pu Péo vậy.

Trong những căn nhà trình tường, mái ngói âm dương và nếp nhà nghiêm cẩn đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách người Pu Péo quả cảm, chí tình ở đất Hà Giang.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO