Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:23 GMT+7

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)

Đường lớn đã mở

Biên phòng - 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở Hà Nội đã có thế và lực mới để cùng với các vùng khác trên địa bàn thành phố sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đường giao thông đến các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Thủ đô Hà Nội được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Phương Liên

Trong tiết trời Thu Hà Nội, giữa không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi tìm về thăm lại thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Ấn tượng trong tôi về Đồng Rằng khá đặc biệt, vì thôn có tới 90% dân số là người dân tộc Mường. Ngày 1/8/2008, bà con trở thành “công dân Thủ đô” khi Quốc hội khóa XII quyết định mở rộng địa giới hành chính, chuyển 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Đông Xuân sáp nhập vào Hà Nội.

Gặp lại Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hiện, anh hào hứng cho biết, Đồng Rằng đang thay đổi nhanh và mạnh mẽ, tỷ lệ hộ khá, giàu đã đạt trên 90%. Thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 1 hộ cận nghèo do bị bệnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 dự kiến đạt 70 triệu đồng.

16 năm trước, trong ký ức của anh Hiện và bà con, bấy giờ thôn có 10% hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Giao thông chỉ là đường đất, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa. Đa số đồng bào sản xuất tự cung, tự cấp... "Ấy vậy mà sau gần 2 thập niên, cuộc sống của gia đình mình và bà con trong thôn đã khác xưa hoàn toàn" - anh Nguyễn Văn Dần, dân tộc Mường, ở thôn Đồng Rằng xúc động thốt lên.

Còn ở Hợp Sơn - thôn của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, anh Dương Trung Thân, Bí thư Chi bộ cho biết, sinh kế chính của bà con giờ chủ yếu xoay quanh cây thuốc nam. Gia đình nào có phương thuốc bí truyền công hiệu thì theo nghề bốc thuốc trị bệnh. Gia đình không có thì vào rừng hái cây thuốc bán lại cho các gia đình bốc thuốc hoặc đi làm thuê các khâu như trồng, băm, thái thuốc... kiếm tiền công vài trăm nghìn đồng/ngày. Từ ngày phát triển nghề thuốc nam, ruộng vườn thành nơi trồng thuốc, bà con không còn trồng sắn, ngô nữa.

Như những mạch ngầm đang rì rầm, bền bỉ hợp lực để tạo nên dòng nước lớn, ở các thôn Đồng Rằng, Hợp Sơn và bất cứ nơi nào ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng đang sôi động phong trào phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh tại chỗ. Đồng bào mong muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào mục tiêu lớn là xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển giàu đẹp, xứng đáng với vị thế là trái tim của cả nước. So với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội là địa phương có nhiều thành phần DTTS sinh sống (50/53 DTTS), với gần 108 nghìn người DTTS ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào các DTTS sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, dân số trên 55 nghìn người, chiếm 51% người DTTS toàn thành phố. Diện tích tự nhiên vùng đồng bào DTTS là 33.458ha, chiếm khoảng 10% diện tích trái tim của cả nước.

Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Thủ đô luôn cần đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước. Vùng đồng bào DTTS và miền núi là một bộ phận cấu thành quan trọng của Thủ đô, do đó cũng đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh và mạnh mẽ để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Thủ đô, nhất là trong điều kiện vùng có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, tâm linh...

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của thành phố; đồng thời xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị.

Đồng bào DTTS ở Thủ đô Hà Nội tham gia Chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Phương Liên

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố đã đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách dân tộc, góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Các xã vùng DTTS và miền núi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 11%, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55 triệu đồng/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2008 là 7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng DTTS giảm còn 0,72%/năm 2023 (năm 2008 là trên 20%); 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2030, Hà Nội tự đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội với những kết quả hết sức quan trọng. Nhiều chỉ tiêu đã sớm đạt 100% như: Số xã đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; số hộ dân dùng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; số hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; số xã có đài truyền thanh, phủ sóng điện thoại di động và sóng truyền hình...

"Thành phố cũng đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Hệ thống trường học, trạm y tế được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh và chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Những kết quả trên đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng DTTS miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn thành phố" - ông Nguyễn Nguyên Quân nói.

70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô đang tạo cho mình thế và lực mới để tự tin thực hiện thành công các mục tiêu căn bản là đưa mức sống và thu nhập của nhân dân trong vùng ngang bằng với các xã ngoại thành; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phương Liên

Bình luận

ZALO