Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:00 GMT+7

Đường tuần tra về phía mặt trời

Biên phòng - Sông Thanh không phải là địa danh hành chính nhưng được lấy đặt tên cho một đồn Biên phòng đóng quân trong rừng và sát biên giới Việt Nam - Lào. Dù quản lý địa bàn không có người dân sinh sống, thế nhưng những người lính Biên phòng vẫn sống, cống hiến và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo đúng nghĩa nhất.

Đội hình tuần tra song phương của Đồn Biên phòng Sông Thanh và phía bạn Lào gặp nhau tại cột mốc 742. Ảnh: Trúc Hà

Đường vào sông Thanh

Cho đến tận bây giờ, đường vào Đồn Biên phòng Sông Thanh (phiên hiệu 663) vẫn là cung đường khó đi nhất trong số 17 đồn Biên phòng thuộc BĐBP Kon Tum. Từ thành phố Kon Tum vào tới Đồn Biên phòng Sông Thanh khoảng 150km, thế nhưng mọi người thường chỉ tính quãng đường từ ngã 3 Đắk Man (xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) vào đồn vì đây là quãng đường khổ ải nhất. Từ đây, chúng tôi đi theo tỉnh lộ 96 - con đường đang được thi công dang dở, lại gặp đúng ngày trời mưa phùn, bởi vậy mà chiếc xe máy cứ như đánh vật với mỗi con dốc, nhất là qua khúc cua tay áo.

Qua cổng trời Đắk Blô, trời chuyển nắng, đường cũng chẳng khá hơn vì phải tiếp tục hành trình trong bụi mù nắng gió. Chỉ 30 cây số thôi nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới tới được Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Đắk Blô (Đồn Biên phòng Sông Thanh). Dừng xe, ngoảnh lại thấy sau lưng và tóc của mình được nhuộm một màu đỏ của bụi đất đúng chất Tây Nguyên. Giờ thì tôi đã hiểu, vì sao các chiến sĩ tếu táo đặt tên cho con đường vào Đồn Biên phòng Sông Thanh là “xấu - xấu - xa”.

Đồn Biên phòng Sông Thanh đóng quân trong rừng, quản lý địa bàn không có người dân sinh sống. Thế nhưng những người lính Biên phòng lại được “bù đắp” bằng việc kết nghĩa với Đại đội Biên phòng 532 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào). Người dân xã Đắk Blô (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, Việt Nam) và Cụm bản Đắk Ba (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) có mối quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại thăm thân và trao đổi hàng hóa. Bởi vậy, việc xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu phụ Đắk Blô diễn ra thường xuyên, khá tấp nập. Nếu như trước đây, người dân chỉ sử dụng chứng minh nhân dân thì nay, 100% các trường hợp qua lại biên giới đều sử dụng giấy thông hành hoặc hộ chiếu.

Đón chúng tôi tại Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Đắk Blô là Thượng tá Nguyễn Tiến Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh. Vừa tiếp khách, Đồn trưởng Vinh vừa chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ làm công tác chuẩn bị cho buổi tuần tra song phương với Đại đội Biên phòng 532 vào sáng hôm sau. Thượng tá Nguyễn Tiến Vinh chỉ còn 2 tháng nữa là nghỉ hưu theo chế độ. Anh chia sẻ: “Hơn 30 năm quân ngũ, đối với tôi, càng khi sắp rời xa quân ngũ, tôi càng muốn trân trọng từng giây phút còn được phục vụ cho lực lượng. Tôi không muốn bỏ qua, bỏ phí phút giây nào...”.

Đường tuần tra mùa Xuân

5 giờ sáng, tiếng còi báo thức vang lên, tôi rời giường, nhanh chóng chuẩn bị, không muốn vì mình mà lỡ nhịp kế hoạch của cả đơn vị. Bộ phận nuôi quân cũng dậy nấu cơm sớm hơn thường ngày nên mọi thứ xong xuôi cũng chỉ mới 7 giờ. Dù kế hoạch chỉ đi trong buổi sáng nhưng lương thực vẫn được chuẩn bị mang theo để đề phòng tình huống xảy ra phải ở lại xử lý. Thiếu tá Vũ Văn Thắng, Chính trị viên nhường cho khách bộ quân phục dã chiến K20 vì “đi rừng phải mặc bộ này, mặc quân phục thường dùng thì cây rừng xé toạc lúc nào không biết. Và còn phải đi giày, tất chống vắt nữa. Mùa này đi trong rừng già, thời tiết ẩm nhiều vắt lắm, chị ạ” - Thiếu tá Vũ Văn Thắng cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ giúp nhau vượt qua những con dốc trên đường tuần tra. Ảnh: Trúc Hà

8 giờ, hai đội tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đại đội Biên phòng 532 gặp nhau tại cột mốc 742. Thượng tá Nguyễn Tiến Vinh, Đội trưởng Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Thanh và Thiếu tá Sỉ Sá Vẳn, Đội trưởng Đội tuần tra của Đại đội Biên phòng 532 trao đổi, thống nhất kế hoạch tuần tra. Theo đó, đội tuần tra chung sẽ tuần tra song phương trên đoạn biên giới từ mốc 742 đến mốc 743, đi theo đường thông tầm nhìn bên phía Việt Nam. Nhiệm vụ của đội tuần tra là tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước Việt Nam - Lào đã ký kết. Việc tuần tra cũng nhằm phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm quy chế quản lý bảo vệ biên giới, cửa khẩu. Thượng tá Nguyễn Tiến Vinh cho biết, thời gian qua, khu vực biên giới do đơn vị phụ trách, chủ quyền an ninh biên giới luôn được giữ vững. Để có được kết quả đó là do đơn vị thường xuyên tuần tra đường biên, cột mốc cả đơn phương và song phương, qua đó kịp thời phát hiện các vụ việc, không để bị động, bất ngờ.

Thiếu tá Sỉ Sá Vẳn công tác tại Đại đội Biên phòng 532 đã được 15 năm, khả năng nói tiếng Việt của người lính Biên phòng Lào này “đủ dùng” khi cần giao tiếp thông thường, anh chỉ dùng phiên dịch khi làm việc. Điều đặc biệt là rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Biên phòng 532 biết nói tiếng Việt. Những tưởng mọi người đã từng học ở Việt Nam, thế nhưng không phải. “Chúng tôi, người biết dạy cho người chưa biết và qua quá trình làm việc chung, nhất là qua những đợt tuần tra chung thế này, chúng tôi có cơ hội học hỏi thêm” - Trung úy Ăm Phon Xay, Đại đội phó Quân sự Đại đội Biên phòng 532 cho biết. Điều này có thể thấy rõ khi trong suốt quá trình làm việc, các thành viên Đội tuần tra của Đại đội Biên phòng 532 thường hỏi rất kỹ bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt.

Sông Thanh là rừng đầu nguồn, được “giữ nguyên vẹn” nhiều năm qua, nên có hệ thực vật phát triển vô cùng phong phú. Mặc dù thường xuyên đi lại nhưng chỉ khoảng nửa tháng, cây cỏ đã lấp lối đi lần trước. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Đại úy Phạm Văn Đại, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ vì anh mới về đơn vị nhận công tác. Là người miền xuôi nhưng nhìn cách anh đi rừng thì dốc cao, vực sâu không làm khó được người sĩ quan Biên phòng này.

Thành phần của đội tuần tra còn nhiều cán bộ Biên phòng là người Giẻ Triêng, sinh ra và lớn lên ở Đắk Glei này, như Thượng úy A Chim (nhân viên Đội Vận động quần chúng kiêm phiên dịch), Đại úy A Thành (nhân viên Đội Kiểm soát Hành chính). Khi ngôn ngữ không còn là rào cản thì khoảng cách giữa con người với con người được kéo lại gần hơn. Có lẽ bởi thế mà con dốc bớt dựng đứng, hẻm vực không còn quá sâu, mệt mỏi tan biến vì chúng tôi hành quân giữa tình đồng chí, đồng đội, tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào. Dốc cao, vực sâu không còn là cản trở khi chúng tôi đi trên cung đường tuần tra với cây cối vươn mình nảy lộc, muôn hoa khoe sắc trong tiếng chim rừng líu lo và lòng người thì phơi phới niềm tin, hy vọng.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO