Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 06:47 GMT+7

EU xoay trục sang Trung Á với nhiều lợi ích

Biên phòng - Trong thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường quan hệ với các quốc gia khu vực Trung Á. Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, điều này dường như khiến Nga và Trung Quốc coi là một thách thức.

Tàu chạy tuyến vận tải quốc tế xuyên biển Caspi (TITR) đậu đỗ tại cảng Kuryk, Kazakhstan. Ảnh: KURYK

Bổ sung quan hệ mới, không ảnh hưởng quan hệ cũ

Bình luận từ giới chuyên gia, trong những năm trở lại đây, những biến động của thời cuộc đã thúc đẩy EU thay đổi cách tiếp cận với khu vực Trung Á, gồm các quốc gia: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. EU ngày càng thực hiện nhiều hoạt động, thể hiện tham vọng rõ ràng về việc muốn củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực đang trở thành trọng yếu đối với “lục địa già”.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh bất ổn an ninh tại châu Âu, Trung Á ngày càng cho thấy vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với các quốc gia phương Tây, nhất là việc khu vực này sở hữu nhiều tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trên thực tế, EU và Trung Á đã và đang có sự phát triển mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất, cũng như chiến lược hợp tác được cập nhật, cùng các dự án kinh tế mới được triển khai. Riêng trong EU, Đức và Pháp là hai cường quốc dẫn đầu các nỗ lực củng cố sự gắn kết với khu vực Trung Á.

EU đã tìm kiếm các hình thức hợp tác tối ưu và khởi xướng nhiều dự án kinh tế mới với khu vực Trung Á. Đặc biệt là nỗ lực mở rộng hợp tác về nguyên liệu và năng lượng với các nước Trung Á, như một cách thức tìm kiếm nhà cung cấp mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga như trước đây. EU cũng đang phát triển các sáng kiến giao thông vận tải không có sự tham gia của Nga. Những nội dung này hầu hết đều xuất hiện trong các cuộc đối thoại chính trị chuyên sâu, đặc biệt là giữa các chính trị gia cấp cao.

Còn với Trung Á, diễn biến phức tạp về chính trị, an ninh ở châu Âu tạo ra nguy cơ khiến các quốc gia này bị cô lập. Song với việc củng cố các mối quan hệ sâu sắc hơn với EU đã trở thành cơ hội tốt để Trung Á tránh bị cô lập, đồng thời mang tới một số lợi ích về kinh tế và củng cố chính trị của khu vực.

Giới chuyên gia lưu ý rằng, việc Trung Á củng cố quan hệ với EU là theo chiều hướng bổ sung, chứ không thay thế hoặc làm suy yếu mối quan hệ bền chặt với những quốc gia vốn có quan hệ hữu hảo trước đây. Những quốc gia có quan hệ gắn bó với Trung Á lâu nay thường là những quốc gia đối lập với EU. Vì vậy, các tiếp cận EU của khu vực Trung Á theo chiều hướng khéo léo này sẽ mở ra không gian hợp tác hài hòa, bền vững.

Cũng theo giới chuyên gia, quan hệ giữa EU và khu vực Trung Á vẫn còn nhiều dư địa và có thể tiếp tục trở nên sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự gắn kết EU - Trung Á phụ thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố. Trước hết là diễn biến về an ninh ở châu Âu, tiếp đó là sự quyết tâm thúc đẩy quan hệ của EU và các quốc gia trong khu vực, đồng thời có sự tác động từ các cường quốc được xem là đối lập của phương Tây.

Khơi nguồn nhiều lợi ích

Tháng 10/2023, Hội đồng EU đã thông qua Kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường mối quan hệ EU - Trung Á. Giới chuyên gia đánh giá đây là kết quả tích cực trong nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận mới của EU. Kế hoạch này được xem là bản cập nhật của chiến lược năm 2019 với sự phát triển được bắt đầu bằng việc nâng cấp cuộc đối thoại chính trị giữa hai bên lên tầm cao hơn. Nổi bật trong giai đoạn vừa qua, EU và Trung Á đã tiến hành một số sự kiện, động thái được xem là mới lạ, đó là hai cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và hầu hết các nhà lãnh đạo trong khu vực Trung Á.

Chương trình nghị sự giữa EU và Trung Á trong thời gian qua đều có trọng tâm là các vấn đề kinh tế liên quan chặt chẽ đến hợp tác năng lượng, khí hậu, môi trường và giao thông. Các nội dung này chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch hành động chung mới và được coi là kênh hợp tác quan trọng nhất giữa EU và Trung Á.

Bình luận về EU, chuyên gia Marcin Popławski tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) nhìn nhận, mục tiêu của khối đối với khu vực Trung Á phù hợp với lợi ích và chính sách của các quốc gia thành viên quan trọng nhất, chủ yếu là Đức và Pháp. Riêng với hai quốc gia này, tầm quan trọng của Kazakhstan và Uzbekistan đã tăng lên đáng kể với tư cách là nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Quá trình vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến Đức qua đường ống dẫn dầu Druzhba đã bắt đầu đi vào hoạt động, sau khi ký kết hợp đồng vào tháng 6/2023.

Kazakhstan đã củng cố vị thế là một trong ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Pháp. Trong khi đó, Pháp cũng đang nhập khẩu ngày càng nhiều uranium từ Trung Á. Kazakhstan và Uzbekistan vào năm 2022 đã cung cấp hơn 50% nguồn cung cho thị trường Pháp.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyên gia Marcin Popławski khẳng định, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ EU - Trung Á với các khoản đầu tư của phương Tây vào Trung Á. Điển hình như, một tập đoàn Đức - Thụy Điển đã đầu tư một nhà máy điện gió và mặt trời ở Kazakhstan trị giá 50 tỷ USD; một tập đoàn của Pháp đầu tư tổ hợp tua bin gió ở Kazakhstan trị giá 1,4 tỷ USD.

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc EU và Trung Á gắn kết quan hệ cả chính trị và kinh tế sẽ kéo theo những phản ứng từ các cường quốc đối lập với phương Tây, bởi Trung Á là khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng, có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế của các thế lực siêu cường.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhất là việc Trung Á khéo léo không “lung lay”, giới chuyên gia lạc quan rằng, mối quan hệ EU - Trung Á dù có tăng cường trong thời gian tới nhưng cũng không thể dễ dàng làm suy yếu vị thế của các siêu cường. Trước mắt, sự xoay trục của EU tới Trung Á mang tới nhiều cơ hội phát triển với lợi ích to lớn và tích cực, không chỉ đối với khu vực này, mà còn có những tác động tích cực nhất định trên khắp lục địa Á - Âu.

Tháng 4 vừa qua, EU và Uzbekistan đã ký thỏa thuận trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Trước đó, vào tháng 1, EU cam kết phân bố 10 tỷ EUR thông qua các công cụ tài chính khác nhau để phát triển tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR). Vào tháng 11/2022, EU và Kazakhstan đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng, pin và năng lượng tái tạo.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO