Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:13 GMT+7

Gắn kết nghĩa tình biên giới

Biên phòng - Với phương châm "mỗi người dân là một chiến sĩ Biên phòng", những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác ngoại giao nhân dân trong đó triển khai hiệu quả mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” Việt Nam - Trung Quốc. Đây được coi là điểm sáng về thực hiện chủ trương xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Tiết mục văn nghệ biểu diễn trong dịp tổng kết 10 năm mô hình kết nghĩa tổ chức tại xã Bản Lầu, tháng 8/2023. Ảnh: Hoàng Linh

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến Bản Lầu - xã biên giới huyện Mường Khương sau hơn 10 năm thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Bản Lầu là một trong 26 xã, phường, thị trấn biên giới của tỉnh Lào Cai tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Đặc thù của xã Bản Lầu cũng giống các xã biên giới trên địa bàn huyện Mường Khương là từ lâu, hai bên cư dân đều có mối quan hệ họ hàng thân tộc, thường xuyên qua lại thăm thân, chia sẻ, giúp đỡ các công việc lẫn nhau.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cùng với mô hình kết nghĩa giữa các đơn vị của BĐBP Lào Cai với các đơn vị bảo vệ biên giới của Trung Quốc, BĐBP Lào Cai còn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường, mở rộng quan hệ hữu nghị với các địa phương bên kia biên giới, trong đó cặp Thôn - Bản đầu tiên tổ chức kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Lào Cai vào năm 2013 là thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Đến thôn Cốc Phương - nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và cũng là một điểm sáng trong thực hiện kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới, chúng tôi cảm nhận được nhiều đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Những nương đồi trồng chuối, dứa, những ngôi nhà xây khang trang tạo nên bức tranh nông thôn mới đầy sức sống. Từ khi thực hiện kết nghĩa vào tháng 8/2013, việc đi lại thăm thân, giao lưu giữa nhân dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã thuận lợi hơn, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc hai bên biên giới về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng Chúng, thôn Cốc Phương chia sẻ: "Tôi rất vinh dự khi là một trong những người trong thôn phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng tổ chức kết nối và xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới. Sau khi kết nghĩa, tôi nhận thấy, ý thức, trách nhiệm của bà con đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia được nâng cao, việc trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên diễn ra thuận lợi hơn. Hai bên cùng hỗ trợ nhau trong trồng trọt, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng; bà con làm ra sản phẩm được bao tiêu đầu ra nên yên tâm sản xuất".

Nhờ kết nghĩa, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương. Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: "Kể từ khi kết nghĩa, tình hữu hảo giữa anh em trong dòng họ được thắt chặt hơn. Đặc biệt, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy chế biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau, giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo đúng pháp luật, giữ được tình đoàn kết, hữu nghị, đồng thời thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế".

Đồng chí Nguyễn Văn Ước, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Bản Lầu chia sẻ: "Đồn Biên phòng Bản Lầu được giao nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới dài 13,142km, với gần 2,95km đường biên giới đất liền, còn lại là đường biên giới suối (suối Bát Kết và suối Pạc Chì), trong đó, có 7 thôn giáp biên. Hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới được xác định là một nội dung trọng tâm của đơn vị trong công tác đối ngoại biên phòng. Từ khi triển khai đến nay, nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc gia, quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định, quy chế biên giới của bà con các dân tộc sống hai bên biên giới đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, người dân hai bên cùng phối hợp, đẩy mạnh tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; cùng với lực lượng chức năng hai nước ngăn ngừa, không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa".

BĐBP và chính quyền địa phương hai bên biên giới chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Linh

Trong đợt kỷ niệm 10 năm kết nghĩa tổ chức vào tháng 8/2023, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã đánh giá hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở nên thuận lợi; mối quan hệ thân tộc và tình làng nghĩa xóm của nhân dân hai bên biên giới cũng được củng cố bền vững hơn. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con hai bên biên giới được thúc đẩy và đạt hiệu quả cao. Trong đó, hiệu quả nổi bật trong thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đó là nhân dân hai bên biên giới đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước.

Ông Phục Vĩ, Phó Bí thư Đảng ủy, Trấn trưởng thị trấn Nam Khê cho biết: Tổ Tam Bình Bá và thôn Cốc Phương chỉ cách một con sông, cư dân hai bên sống cạnh nhau, thân thiết. Trong thời gian qua, hai bên đã tích cực triển khai các chuyến thăm lẫn nhau, tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ, tăng cường giao lưu về nông nghiệp, lao động việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, cùng phòng chống tội phạm trên biên giới... "Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau tuyên truyền, giáo dục cư dân biên giới, nhất là 3 văn kiện pháp lý về biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc; cùng nhau tăng cường giao lưu dân tộc, thăm viếng lẫn nhau, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa"-Ông Phục Vĩ nhấn mạnh:

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” tại xã Bản Lầu nói riêng, trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai nói chung đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước láng giềng theo chủ trương, đường lối đối ngoại của Ðảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập; đồng thời, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Lê Thanh Cường

Bình luận

ZALO