Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 04:53 GMT+7

Gần lắm những nẻo đường biên giới…

Biên phòng - Với 38 thôn, buôn trải dài hơn 71km đường biên giới, đi qua địa phận 4 xã thuộc 2 huyện (Buôn Đôn và Ea Súp), có thể nói khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk là một trong những nơi đất rộng người thưa, xa xôi cách trở bậc nhất trên địa bàn Tây Nguyên. Ở đây có những khu dân cư nằm cách trung tâm xã hàng chục km và cách đồn Biên phòng (BP) quản lý địa bàn cả ngày đường dành cho người đi bộ. Xa xôi, cách trở là thế, nhưng nhờ sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở địa phương, cũng như sự đồng hành sẻ chia của người lính BP, biên giới giờ đây tuy xa mà cũng thật gần…

Giữa Vườn quốc gia Yok Đôn, Đồn BP Sê Rê Pốk (BĐBP Đắk Lắk) tổ chức lễ hội Xuân BP ấm lòng dân bản để chăm lo tết cho người nghèo. Ảnh: Thái Kim Nga

“Sắc màu hy vọng” trên cung đường đi tìm con chữ

Trong chuyến đi thực tế dọc tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk, anh bạn đồng nghiệp của tôi chia sẻ: “Chỉ cần nhìn trẻ em vùng biên giới đến trường cũng thấy dấu ấn của BĐBP…” Đành rằng đây là cách nói có phần ví von, nhưng quả thật nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, cảm nhận của anh bạn đồng nghiệp là không “ảo” tý nào. Thấp thoáng trong đàn “chim non” ngơ ngác, vô tư ấy, nếu không bắt gặp những cô, cậu con nuôi của đồn BP thì cũng có những “địa chỉ” trợ giúp học đường mang “thương hiệu” người lính quân hàm xanh. Các con đến trường, nếu không có sự đón đưa của các chú bộ đội, thì cũng đi trên những chiếc xe đạp được cán bộ, chiến sĩ BĐBP dành tặng. Dấu ấn của người lính BP mà anh bạn tôi nhìn thấy là ở chỗ đó.

Chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, sự hiện diện của người lính BP trên quê hương những thợ săn voi huyền thoại đã tạo nên bức tranh sống động, đa sắc màu của tình quân dân biên giới. Trong thời gian qua, bên cạnh duy trì mô hình con nuôi đồn BP, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk còn nhận đỡ đầu 184 cháu học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường” (riêng dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường”, cụ thể hóa Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhận đỡ đầu 145 cháu).

Cùng với đó, các đồn BP quản lý địa bàn còn phối hợp vận động hơn 100 em học sinh bỏ học trở lại trường lớp, tổ chức mở 7 lớp xóa mù chữ cho 225 người dân, xây dựng 4 tủ sách tại 4 xã biên giới, trao tặng 43 suất học bổng, 75 chiếc xe đạp, cùng nhiều dụng cụ học tập, đồng phục học sinh với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trên cung đường đi tìm “con chữ”, sắc lính BP đã tô thắm thêm sắc màu hy vọng…

Dấu ấn BĐBP trên những nẻo đường quê

Có thể nói trong “bức tranh” biên giới tỉnh Đắk Lắk, hình ảnh người lính BP là một trong những “gam màu” chủ đạo, tạo nên những điểm nhấn tươi mới, sống động. Bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn nhân lực, với lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận thường trực tại địa bàn, cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn buôn biên giới và phụ trách hộ gia đình… BĐBP Đắk Lắk còn tập trung đầu tư xây dựng các dự án phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội kết hợp củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, triển khai nhiều chương trình, mô hình giúp dân giảm nghèo bền vững, để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Thiếu tá Từ Văn Sương bên mô hình “đàn bò hợp tác” ở thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thái Kim Nga

Việc đầu tư hỗ trợ nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện tại, nếu như tỷ lệ nhân viên y tế và công an xã trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk lần lượt vào khoảng 11 và 15 người/10.000 dân, thì lực lượng BĐBP tỉnh, con số này đạt hơn 100 cán bộ chuyên trách. Đó là chưa kể các đợt tăng cường lực lượng từ Bộ Chỉ huy và các đơn vị cơ sở xuống địa bàn giúp nhân dân lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động tình nguyện. Hiểu một cách nôn na thì cứ 100 người dân biên giới lại có một người lính BP đồng hành.

Nguồn nhân lực luôn được đầu tư bài bản đã giúp cho BĐBP Đắk Lắk triển khai hiệu quả các chương trình, dự án bảo đảm an sinh xã hội, cũng như mô hình giúp dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn biên giới, BĐBP Đắk Lắk đã triển khai xây dựng 22 công trình dân sinh (2 phòng học, 3 phòng khám quân dân y kết hợp, 1 khu vui chơi dành cho trẻ mầm non, 16 giếng khoan), 86 căn nhà đoàn kết quân dân, mái ấm dành cho người nghèo, với tổng trị giá gần 13 tỷ đồng.

Các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm, nuôi heo đất, mô hình vườn cây ăn quả, cây nông sản chất lượng cao, kết hợp phát triển chăn nuôi... được triển khai sâu rộng trên các thôn, buôn biên giới, ngày càng khẳng định vai trò của BĐBP trong sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Không chỉ là “nhà đầu tư” thông thái, nhân văn, những lính BP bên Vườn quốc gia Yok Đôn còn là nhịp cầu kết nối những tấm lòng thơm thảo tìm đến với “ngôi nhà biên giới”.

Các chương trình phối hợp giữa BĐBP Đắk Lắk với các ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân, nhất là các cấp hội phụ nữ đã tạo ra “kênh” trợ giúp người nghèo đa dạng và hiệu quả. Với tổng số tiền vận động đóng góp gần 3 tỷ đồng, đã có rất nhiều công trình dân sinh, mô hình sinh kế, vốn khởi nghiệp, học bổng, máy móc, trang thiết bị phục vụ học tập, vật dụng gia đình và các mặt hàng nhu yếu phẩm được trao đến tay những chủ nhân biên giới, mở ra cơ hội để bà con thoát nghèo vươn lên.

Sự đồng hành sâu sắc, đầy tình thương yêu và trách nhiệm cũng đã giúp người lính BP kiến tạo nên những cách làm đầy tính sáng tạo và hiệu quả. Ở xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, nhắc đến Thiếu tá Từ Văn Sương, nhân viên vận động quần chúng Đồn BP Ea Hleo là mọi người nhớ ngay đến mô hình “đàn bò hợp tác” do anh khởi xướng dành cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn. Với vốn đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng (do đồng chí Từ Văn Sương trợ giúp) chỉ sau 2 năm, đến nay đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Dự (xã Ia Lốp) đã phát triển được 22 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình hơn 30 triệu đồng/năm.

“Thừa thắng xông lên”, năm 2023 Thiếu tá Từ Văn Sương tiếp tục đầu tư cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lành (cùng trú tại thôn Dự) 5 con bò giống để nhân đàn. Tính đến thời điểm hiện tại, “đàn bò hợp tác” của Thiếu tá Từ Văn Sương dành cho hai hộ gia đình nói trên đã phát triển lên đến gần 30 con, với tổng giá trị gần 300 triệu đồng, hứa hẹn tạo thêm nguồn thu nhập giúp bà con thoát nghèo vươn lên.

Đến với các thôn, buôn biên giới Đắk Lắk hôm nay, chúng ta còn dễ dàng cảm nhận dấu ấn của người lính BP qua các công trình “đường cờ Tổ quốc”, “thắp sáng vùng quê” hay những đêm sinh hoạt câu lạc bộ tự quản đường biên cột mốc, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn... Với sự đồng hành, sẻ chia của người lính BP, biên giới giờ đây tuy xa mà cũng thật gần.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO