Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:37 GMT+7

Ghi ở đất thiêng Côn Đảo

Biên phòng - Hơn hai thế kỷ qua, hàng chục vạn người Việt Nam yêu nước đã chịu xiềng xích gông cùm, bị tra tấn dã man, hơn 20 nghìn người ngã xuống tại "địa ngục" trần gian Côn Đảo. Trưởng ban quản lý di tích Côn Đảo Nguyễn Thanh Vân nói với tôi: Trên mảnh đất thiêng này, linh hồn người đã khuất nhiều hơn gấp ba lần so với số dân hiện nay đang sinh sống, làm việc trên đảo.

Những đoàn khách nối tiếp nhau, khiến các hướng dẫn viên trong khu di tích làm việc liên tục, không nghỉ. Quá khứ hào hùng, bi tráng hiện dần lên qua những bức ảnh lịch sử trong khu nhà trưng bày lưu niệm, từng là nơi ở và làm việc của 53 chúa đảo trong suốt 113 năm. Tôi cùng các đoàn khách lần lượt tham quan chuỗi di tích nhà tù, mà thoạt nghe tên cũng đã đủ hình dung được sự tàn khốc ở nơi này: Chuồng Cọp kiểu Pháp, kiểu Mỹ, chuồng Bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối... Cô hướng dẫn viên thướt tha, duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam màu xanh nhạt mặc dù đã hàng nghìn lần thuyết minh cho du khách nghe về sự tra tấn dã man của kẻ thù, sự quả cảm, kiên trung của các chiến sĩ Cộng sản, nhưng giọng của cô vẫn lạc đi trong xúc động. Tôi biết, đã có rất nhiều giọt nước mắt của du khách đã thấm xuống mảnh đất này.

Bên ngoài những phòng giam sắc lạnh, khô khốc, những cây bàng di sản hàng trăm năm tuổi, mấy người ôm không hết vẫn đang vươn mình đón nắng, gió. Chúng chỉ là những vật vô tri vô giác, nhưng đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đối với vùng đất này, đồng thời mang lại một đặc sản: Hạt bàng Côn Đảo. Từ bàn tay tần tảo của các chị em nơi đây, những hạt bàng ngày xưa các tù nhân đã phải nhặt, đập nhân để ăn chống cái đói triền miên, thì nay, nhân bàng được sấy khô, trở thành một món quà không thể thiếu trong hành trang của du khách đến thăm Côn Đảo khi trở về đất liền.

swrm_8-1.JPG
Hội Phụ nữ Côn Đảo trao học bổng cho các cháu học sinh học giỏi.
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Kiểm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Côn Đảo đưa tôi đến thăm Nghĩa trang Hàng Dương, thăm khu mộ của Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trong làn khói nhang huyền ảo, lãng đãng lan tỏa tràn ngập không gian, chị Kiểm cho biết: Rất nhiều người dân trên đảo không chỉ ra đây thắp hương cho cô Sáu mà ngay tại gia đình cũng lập bàn thờ riêng, thờ cúng cô Sáu như cúng tổ tiên. Ngày hy sinh của cô Sáu cũng được coi như một ngày tưởng niệm chung của cư dân trên đảo với các liệt sĩ. Mọi người coi cô Sáu như vị nữ thần bảo hộ cuộc sống bình yên cho người dân trên đảo. Tôi hiểu và cảm nhận hơn bao giờ hết, những bông hoa tươi thắm, những chiếc gương, lược và những nén tâm nhang hằng ngày đặt trên mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu đã minh chứng một điều, chị là người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất tử trong lòng người dân trên đảo, từ lúc họ bắt đầu thức dậy cho đến khi chìm sâu vào trong giấc ngủ mỗi ngày. Và niềm tin ấy đã khiến những người dân nơi đây luôn sống hướng thiện.

Chị Trần Thị Yến, chủ doanh nghiệp Thái Bình kể lại: Chị là lớp thanh niên xung phong tình nguyện đi xây dựng đảo từ năm 1984. Những ngày đầu đặt chân tới đây, đảo hoang vu, tối tăm và lạnh lẽo, với biết bao khó khăn phải đối mặt. Có rất nhiều người không chịu được gian khổ đã quay trở về đất liền. Thế rồi, bằng nghị lực vươn lên, những ai còn bám trụ lại, "đất không phụ lòng người", ai cũng thành đạt. Côn Đảo giờ đổi thay mạnh mẽ. Chị Yến cũng dành thời gian khá nhiều để nói về sự đoàn kết, gắn bó đậm đà, thắm thiết, yêu thương nhau như máu thịt của người dân trên đảo. Chị cho biết, trên đảo chỉ có duy nhất Trung tâm quân dân y, quy mô nhỏ. Do đó, công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn nhiều hạn chế. Tất cả các trường hợp bị mắc bệnh hiểm nghèo đều phải đưa về đất liền điều trị. Mỗi khi có ca bệnh nặng, mổ mất máu, hoặc chị em băng huyết, chỉ cần thông báo trên loa phát thanh, thì dù lúc nửa đêm, người dân đều thức dậy, chạy tới trung tâm để hiến máu cứu người. Đối với những người dân đánh bắt cá gặp rủi ro hoặc cơ nhỡ lên đảo, bà con lại vận động quyên góp gạo, tiền để họ có thể trở về nhà.

Tới thăm trang trại lợn rừng có tới hơn 1 nghìn con của chị Chu Thị Kim Dung, Chi hội phó Hội Phụ nữ tổ 1, khu 9, không ai ngờ được rằng, cách đây 8 năm, gia đình chị đặt chân lên đảo chỉ với hai bàn tay trắng. Chị Dung quê ở Bắc Giang, gia đình chị khăn gói quả mướp tìm đến vùng đất này với mong ước thời tiết ôn hòa sẽ làm giảm những cơn đau của người chồng thương binh hạng ¼. Trên đường đi, toàn bộ tài sản bị mất trộm sạch. Lúc đặt chân lên đảo, nhờ sự đùm bọc, yêu thương của bà con ở đây, gia đình chị được giúp cơm ăn, vật dụng sinh hoạt tối thiểu và được chính quyền địa phương cho mượn mảnh đất dựng nhà. Đến nay, nhờ lao động tần tảo, chịu thương chịu khó, gia đình chị Dung đã vươn lên xóa đói giảm nghèo. Hiện, gia đình chị đã mua được mảnh đất hơn 1 nghìn mét vuông. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, chị Dung vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng đầu tư nuôi lợn, phát triển sản xuất. Trước lúc chia tay, chị Dung tâm sự với chúng tôi trong niềm lưu luyến: Mảnh đất linh thiêng và huyền thoại này đúng là nơi đất lành, chim đậu. Không chỉ tôi, mà còn rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước tìm đến đây sinh sống, làm ăn. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống tại đây. Côn Đảo trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi". 

Giờ đây, những người phụ nữ đang sinh sống và làm việc tại đây, ngày đêm bền bỉ đóng góp sức mình cho những đổi thay của Côn Đảo hôm nay.

Thanh Hà

Bình luận

ZALO