Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:20 GMT+7

Ghi ở Làng Nủ

Biên phòng - Sau trận lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), có thể nhận ra, siêu bão Yagi sau khi tàn phá bằng sức gió sẽ gây sạt lở nghiêm trọng tại các địa bàn vùng cao. Còn nhớ năm 2020, sau siêu bão Molave, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... cũng bị sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản...

Huấn luyện viên và chó nghiệp vụ vừa được tăng cường cố gắng tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ảnh: Văn Chương

Đêm 15/9, ở thôn Làng Nủ, một cơn mưa bất chợt đổ xuống, trong khi trước đó là trời nắng hanh hao và không khí đầy mùi bùn đất, phảng phất mùi của xác động vật thối rữa. Cảnh đồng lúa rất xanh tốt đang thời kỳ trổ đòng tạo ra thảm xanh ở giữa thôn cũng không át nổi bức tranh tan hoang của thôn.

Cơn mưa đêm tầm tã, sau đó lại rả rích như điệu nhạc buồn, kéo dài dai dẳng khiến ai cũng thoáng âu lo. Người dân trong thôn và hàng trăm người lính đang tham gia tìm kiếm, đêm về hạ trại tại nhà của bà con, tất cả đều lắng nghe tiếng mưa rơi, nhiều người tự hỏi, “không biết bao giờ thì mưa tạnh hẳn”. Và rồi tới lúc 1 giờ sáng, trận mưa lại tiếp tục kèm theo âm thanh của sấm sét ầm ầm, núi rừng đen kịt hiện ra nhập nhòa dưới ánh chớp.

Cơn mưa này trút xuống thôn Làng Nủ là một bước lùi cho lực lượng đang tổ chức tìm kiếm cứu nạn tại đây. Còn nhớ buổi chiều ngày cuối tuần, đứng trước ngôi nhà đang bị bùn lấp tới ngang sàn nhà, ông Nguyễn Văn Cai thốt lên: “Cứ phải nắng liên tục 5-7 ngày thì mới có thể tìm được người mất tích, cái đống bùn chính giữa kia, nếu lội vào là tới thắt lưng”.

Ông Cai mong trời đừng đổ mưa, tất cả những người lính đứng trước ngôi nhà của ông với bộ quần áo lấm lem bùn đất đều chung ý nghĩ với ông. Bởi vì đống bùn nhão khổng lồ có chiều dài khoảng 2km cuốn trôi thôn Làng Nủ. Việc tìm kiếm của lực lượng Quân đội đã diễn ra được 5 ngày. Cản trở lớn nhất đối với công tác tìm kiếm là bùn vẫn chưa rút nước, không thể lội vào nơi có bùn sâu hàng mét.

Nhìn đống bùn lầy này, tôi chợt nhớ đến cảnh tượng vụ sạt lở tại Trạm Kiểm lâm 67 đã chôn vùi 13 quân nhân và cán bộ địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020. Tai nạn này cũng có điểm tương tự là xảy ra sau siêu bão Molave đổ bộ vào đất liền. Đống bùn mà lực lượng Quân đội tổ chức tìm kiếm cứu nạn ngày đó được ví như bùn bê tông. Vì bùn đất cuốn theo cả cánh rừng keo, bẻ nát các cây keo thành các đoạn ngắn, sau đó trộn lẫn vào với nhau khiến cho việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn.

Trong những vụ sạt lở như vậy, yếu tố tác động tới tốc độ tìm kiếm, đó là trời đừng đổ mưa. Vì đống bùn nhão ở thôn Làng Nủ, nếu gặp mưa sẽ nở ra giống như một chiếc mụn bọc. Còn nếu trời nắng gắt trong khoảng 3 ngày, đống bùn sẽ xẹp xuống rất nhanh và việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Ông Hoàng Thường Tín, người dân thôn Làng Nủ cho biết, hôm sau xảy ra đại nạn, ông và người em ra ruộng sớm thì thấy có một số quần áo, chậu, nồi trôi xuống và trước đó là tiếng nổ lớn. Ông Tín cho biết, đất ở vùng này pha đất sét dẻo, mưa lớn kéo dài sau siêu bão đã gây ra sạt lở, trong những ngày tới, mong sao đừng mưa để sớm tìm kiếm được thi thể các nạn nhân.

Theo kinh nghiệm tìm kiếm người mất tích trong các vụ sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung, nếu khi trời nắng và bùn khô ráo, việc tìm kiếm sẽ diễn ra ngay cả trong ban đêm. Lực lượng công binh sẽ huy động các xe đèn pha đến hiện trường để chiếu sáng, phục vụ cho công tác tìm kiếm. Vì càng để lâu, việc tìm kiếm càng gặp rất nhiều khó khăn, trời sẽ bất chợt đổ mưa trở lại, đồng thời các tử thi sẽ bị phân hủy.

Chiều 15/9, việc tìm kiếm người mất tích khép lại khi ánh hoàng hôn buông xuống ngọn núi Voi và bãi sình lầy với ánh sáng nhợt nhạt. Một công nhân trong đội xe xúc ngước nhìn bầu trời và nói: “Thôi, ông trời ơi! Đêm nay đừng mưa, nếu mưa nữa thì bộ đội càng cực hơn, việc tìm kiếm phải làm lại từ đầu”.

Trong đêm trời đổ mưa, ngay tại tuyến đường bê tông dẫn xuống khu nhà - nơi cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang hạ trại, vài người dân cố chạy ra khỏi nhà để nhìn lên hai dãy núi. Sau khu nhà ở là một dãy núi thấp có con suối róc rách chảy suốt ngày đêm. Cách đây vài ngày, một mảng núi nhỏ sạt xuống sát lưng nhà của ông Hoàng Thường Tín. Ông Tín nheo mắt nhìn, rít điếu thuốc lào và suy nghĩ không biết có khi nào dãy núi này lại tiếp tục "trở mình", ngôi nhà của gia đình ông nằm sát ngôi nhà BĐBP đang đóng quân.

Tình quân dân ở thôn Làng Nủ. Ảnh: Văn Chương

Người dân trong đêm còn chạy ra con đường bê tông đã dùng ánh mắt ước chừng “nụ cười tử thần” rạch ngang trên đường. Có một dãy núi nằm sát làng về hướng Bắc, sau trận lũ quét ở thôn Làng Nủ, bà con phát hiện ra dãy núi này đã dịch chuyển, đẩy con đường về hướng Nam, khiến con đường bê tông bị nứt ra, chệch hẳn về một phía. Bà con bàn tán xôn xao về dãy núi dịch chuyển nhưng rồi chỉ vài ngày sau, cuộc sống lại trở về như thường nhật, nỗi phập phồng coi như thoáng qua.

Thôn Làng Nủ trước đây gồm 2 thôn (thôn Nủ 1 và thôn Nủ 2), năm 2022 sáp nhập thành một. Vùng bị sạt lở, vùi lấp là thôn Nủ 2 với 37 hộ dân/158 nhân khẩu. Toàn thôn Làng Nủ có 167 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chia sẻ: “Vụ việc xảy ra rất khủng khiếp, chưa bao giờ xảy ra lũ ống, lũ quét mà thiệt hại về người lớn như vậy". Trận lũ quét đã khiến 52 người chết, 14 người mất tích (may mắn có 87 người thoát chết). Trong tổng số 37 hộ dân, 2 hộ vẫn còn nhà, 35 hộ còn lại, nhà đã bị xóa sổ, đang đi ở nhờ và chờ đợi tìm kiếm người thân mất tích.

Sau cơn mưa trong đêm 15/9, thôn Làng Nủ lại trải qua một ngày u ám, trời không nắng, khung cảnh buồn thê lương. Bóng những chú chó nghiệp vụ cùng người lính Biên phòng thấp thoáng giữa con sông bùn. Nơi đây vẫn còn những người dân trụ lại, khói lam vẫn tỏa ra dưới những mái nhà lợp lá cọ và những người lính Biên phòng vẫn ở đây để chung tay cùng nhân dân thôn Làng Nủ sớm vượt qua nỗi đau và trở lại những ngày bình yên.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO